Một trong những phương pháp phân tích được xem là chỉ dành riêng cho những chuyên gia vì nó rất khó tiếp cận – Volume Spread Analysis (Phân tích khối lượng chênh lệch giá, VSA). Không đại trà như phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản, VSA có một cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt nhưng lại vô cùng hiệu quả trong việc xác định xu hướng thị trường.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những vấn đề căn bản nhất của VSA và 2 ứng dụng quan trọng nhất của phương pháp phân tích đặc biệt này. Cùng theo dõi nhé.
VSA (Volume Spread Analysis) là gì?
Volume Spread Analysis (VSA) – Phân tích Khối lượng Chênh lệch giá, là phương pháp phân tích biến động giá dựa trên mối quan hệ cung – cầu, từ đó dự đoán xu hướng sắp tới của thị trường. Công cụ chủ yếu của phương pháp này chỉ bao gồm đồ thị giá và khối lượng.
Phương pháp VSA cho rằng, nguyên nhân của biến động giá cũng chính là sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường và sự mất cân bằng này được tạo ra từ động thái của những nhà đầu tư chuyên nghiệp, các “ông lớn” trên thị trường, mà theo tác giả của phương pháp này thì họ chính là những “nhà khai thác chuyên nghiệp” hay “tiền thông minh (smart money)”.
Động thái của những “ông lớn” này được thể hiện rõ nét trên biểu đồ và phương pháp VSA sẽ xác định mối quan hệ cung – cầu thông qua những động thái đó dựa vào mối tương quan giữa 3 biến số trên biểu đồ, bao gồm:
- Volume: Khối lượng của một thanh giá hay khối lượng của một phiên giao dịch
- Spread: Mức chênh lệch giá hoặc phạm vi của phiên giao dịch
- Close: giá đóng cửa của phiên giao dịch
Lịch sử ra đời của Phương pháp VSA
Người đã phát triển phương pháp phân tích VSA và cũng là người đã phát minh ra chương trình giao dịch máy tính nổi tiếng Wyckoff Volume Spread Analysis (Wyckoff VSA) chính là một nhà đầu tư chứng khoán tài ba – Tom Williams.
Có được cơ duyên sau khi tham gia khóa học của Wyckoff ở Park Ridge, ông dường như đã hiểu được tất cả những gì đang xảy ra trên thị trường. Tom phát hiện ra rằng tất cả manh mối đều nằm trên đồ thị nếu trader biết đọc chúng một cách chính xác.
Sau đó, qua nhiều năm nghiên cứu, dựa trên phương pháp Wyckoff, Tom đã tiếp tục phát triển tầm quan trọng của chênh lệch giá và mối quan hệ của nó với khối lượng giao dịch và giá đóng cửa. Đến năm 1993, Tom đã công bố tác phẩm của mình đến với công chúng thông qua cuốn Master of Market và phát triển một chương trình giao dịch máy tính với phương pháp Wyckoff Volume Spread Analysis như ngày nay.
Trong phương pháp luận của mình, Tom cho rằng: “Thị trường không vận động một cách ngẫu nhiên như nhiều trader vẫn nghĩ, họ không thực sự hiểu được bản chất sự vận động của thị trường nên giao dịch sai lầm theo tâm lý bầy đàn.”
Và “Nếu bạn đọc được mối quan hệ cung – cầu từ đồ thị giá, bạn sẽ có lợi thế hơn so với đám đông không am hiểu về thị trường, và bạn có thể giao dịch một cách hài hòa cùng với smart money.”
Các thành phần của phương pháp VSA
3 thành phần và cũng là 3 biến số chính của phương pháp phân tích VSA chính là:
Volume: Khối lượng giao dịch
Tầm quan trọng của khối lượng ít được các nhà đầu tư nghiệp dư coi trọng, vì thế, tất cả họ đều mắc phải sai lầm. Thông thường, một số các indicators đã tích hợp sẵn khối lượng vào trong biến động của giá cả nhưng phương pháp này vẫn có những hạn chế nhất định. Ví dụ, một indicator thường chỉ ra rằng thị trường sẽ tăng giá với khối lượng giao dịch cao, tuy nhiên, giá vẫn có thể giảm hoặc đi ngang với cùng mức khối lượng đó. Điều này chứng tỏ vẫn còn có sự hiện diện của các yếu tố khác đang hoạt động trên biểu đồ giá.
Có 2 mức khối lượng mà trader cần quan tâm khi sử dụng phương pháp VSA, đó là:
- Khối lượng cao hơn trung bình: là mức khối lượng cao hơn so với khối lượng trung bình nhưng vẫn thấp hơn đỉnh trước đó. Mức trung bình của khối lượng thường được lựa chọn là đường MA(20) của Volume.
- Khối lượng siêu cao: là đỉnh cao nhất trong khoảng thời gian đang xem xét, cao hơn so với đỉnh trước đó.
Spread: Chênh lệch giá
Là phạm vi biến động giá của phiên giao dịch, được tính bằng khoảng cách giữa giá mở cửa và giá đóng cửa hay cũng chính là độ dài của thân nến.
Lưu ý: Spread ở đây không phải là chênh lệch giữa giá Bid và giá Ask như chúng ta từng tiếp cận.
Close: Giá đóng cửa
Giá đóng cửa được Tom Williams cho rằng là thông tin quan trọng nhất của phương pháp phân tích VSA. Giá đóng cửa có thể ở bất kỳ vị trí nào so với cây nến và nó là tín hiệu vô cùng quan trọng để phân tích.
Cách giao dịch với phương pháp VSA
Có rất nhiều vấn đề xoay quanh phương pháp VSA và cũng có rất nhiều khía cạnh, cách giao dịch với phương pháp này, nhưng trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi sẽ chỉ giới thiệu đến các bạn 2 ứng dụng chính của phương pháp VSA, đó là SOW (Sign Of Weakness) – Dấu hiệu Giảm giá và SOS (Sign Of Strength) – Dấu hiệu Tăng giá.
Trước khi đi vào cụ thể 2 ứng dụng giao dịch này, các bạn có thể tham khảo lại bài viết Phương pháp Wyckoff là gì? 3 quy luật của phương pháp Wyckoff để hiểu rõ hơn về 4 giai đoạn của chu kỳ giá trong phương pháp Wyckoff.
Sign Of Weakness – Dấu hiệu Giảm giá
Dấu hiệu Giảm giá xảy ra khi nhu cầu dần trở nên cạn kiệt sau một đợt tăng giá kéo dài. Người mua ít đi, phe mua bắt đầu chốt lời và nguồn cung tăng lên do nhiều người bán bắt đầu gia nhập thị trường.
Dấu hiệu Giảm giá: Cung > Cầu.
Trong 4 giai đoạn của chu kỳ giá: Tích lũy, Giá lên, Phân phối và Giá xuống thì SOW xuất hiện ở giai đoạn Giá xuống: khi cung nhiều hơn cầu, sau giai đoạn phân phối và tái phân phối.
- Các mẫu hình chênh lệch giá – khối lượng của SOW
Có khá nhiều mẫu hình chênh lệch giá – khối lượng khi phân tích SOW, nhưng trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến 3 mẫu hình quan trọng và được phân tích phổ biến nhất, đó là UpThrust, Buying Climax và No Demand Bar.
UpThrust – Lực đẩy lên
Mẫu hình này bao gồm một nến Pin bar đảo chiều giảm với thân nến cực kỳ nhỏ và có khối lượng siêu cao hoặc khối lượng cao trung bình.
Phương pháp VSA cho rằng, nếu không có gì bất thường, một thân nến nhỏ thì khối lượng phải nhỏ. Chính vì sự bất thường giữa chênh lệch giá và khối lượng trong mẫu hình này đã chứng tỏ nguồn cung đang nhiều hơn cầu, dự báo giá sẽ giảm trong tương lai gần.
Buying Climax – Cao trào Mua
Mẫu hình Buying Climax bao gồm một cây nến tăng có những đặc điểm sau:
- Chênh lệch giá spread lớn hay thân nến dài
- Giá đóng cửa vượt qua khỏi mức giá cao nhất trước đó
- Bóng nến trên dài đáng kể cho thấy thị trường từ chối giá lên
Và khối lượng siêu cao hoặc cao trên trung bình.
Tuy nhiên, mẫu hình này thường chỉ xảy ra đúng khi xu hướng trước đó phải rõ ràng, trong trường hợp này là một xu hướng tăng đã hình thành một thời gian khá lâu trước khi Buying Climax xuất hiện. Ngoài ra, xu hướng tăng này được tăng tốc dần về cuối với khối lượng cực kỳ lớn.
No Demand Bar – Nến không có nhu cầu mua
No Demand ở đây có nghĩa là cầu đang yếu dần đi, nguồn cung tăng lên, giá sẽ giảm xuống trong tương lai.
Mẫu hình No Demand Bar bao gồm 1 thanh nến tăng có chênh lệch giá spread thấp hay thân nến nhỏ và khối lượng giao dịch thấp hơn ít nhất 2 phiên trước đó. Thông thường, mẫu hình này sẽ xuất hiện trong một xu hướng giảm và cho tín hiệu tiếp diễn xu hướng. No Demand Bar thường xuất hiện vào cuối một đợt điều chỉnh tăng.
Sign Of Strength – Dấu hiệu Tăng giá
Ngược lại với SOW, SOS xảy ra khi nguồn cung cạn kiệt sau một đợt giảm giá kéo dài và người mua bắt đầu nhảy vào thị trường, nhu cầu tăng lên.
Dấu hiệu Tăng giá: Cầu > Cung
Trong 4 giai đoạn của chu kỳ giá: Tích lũy, Giá lên, Phân phối và Giá xuống thì SOS xuất hiện ở giai đoạn Giá lên: khi cầu nhiều hơn cung, sau giai đoạn tích lũy và tái tích lũy.
- Các mẫu hình chênh lệch giá – khối lượng của SOS
Down Thrust – Lực đẩy xuống
Ngược lại với Up Thrust, mẫu hình Lực đẩy xuống bao gồm một nến Pin bar đảo chiều tăng và khối lượng siêu cao hoặc cao hơn trung bình.
Selling Climax – Cao trào bán
Mẫu hình Selling Climax bao gồm một nến giảm, thân nến dài hay chênh lệch spread lớn, giá đóng cửa thấp hơn đáy gần nhất trước đó và râu nến dưới dài đáng kể cho thấy thị trường từ chối giá xuống. Tất nhiên là cộng với khối lượng siêu cao hoặc cao trên trung bình.
Tương tự mẫu hình Buying Climax, Cao trào bán phải xuất hiện sau một xu hướng giảm rõ ràng trước đó và xu hướng này nên tăng tốc dần về cuối cùng với khối lượng cực lớn.
No Supply Bar – Nến không có nguồn cung
Mẫu hình No Supply Bar bao gồm 1 nến giảm có thân nến ngắn hay chênh lệch giá thấp và khối lượng thấp hơn ít nhất 2 cây nến trước đó. Mẫu hình này thường xuất hiện trong một xu hướng tăng, báo hiệu xu hướng tăng sẽ được tiếp diễn, không phải tín hiệu đảo chiều xu hướng.
Nguyên lý hoạt động của phương pháp phân tích VSA
Qua cả 6 mẫu hình chênh lệch giá – khối lượng của cả 2 ứng dụng chính của VSA đã nêu trên thì chúng ta có thể thấy rõ mối quan hệ giữa thân nến (chênh lệch giá) và khối lượng của cây nến.
Nếu mối quan hệ cung – cầu cân bằng thì chúng ta có “sự xác nhận” giữa chênh lệch giá và khối lượng, ngược lại, nếu có “sự bất thường”, chứng tỏ, thị trường đang rơi vào trạng thái mất cân bằng cung – cầu, giá sẽ di chuyển đi lên hoặc xuống phụ thuộc vào nguồn cung lớn hơn hay cầu lớn hơn.
- Sự xác nhận: là khi khối lượng cây nến đồng nhất với chênh lệch giá, hay nói cách khác, thân nến cao (chênh lệch giá lớn) thì khối lượng cũng lớn, ngược lại, thân nến thấp (chênh lệch giá nhỏ) thì khối lượng cũng nhỏ.
- Sự bất thường: là khi sự xác nhận giữa khối lượng và chênh lệch giá đã không xảy ra. Thân nến cao nhưng khối lượng nhỏ, ngược lại, thân nến thấp nhưng khối lượng lại lớn. Sự bất thường xảy ra chứng tỏ mối quan hệ cung – cầu bị mất cân đối, tạo ra Dấu hiệu Tăng giá (SOS) hoặc Dấu hiệu Giảm giá (SOW).
Phân tích sự bất thường trong các mẫu hình của SOS và SOW.
UpThrust (SOW) và Down Thrust (SOS): sự bất thường thể hiện rất rõ ở 2 mẫu hình chênh lệch giá – khối lượng này, khi mà thân nến Pin bar rất nhỏ nhưng khối lượng lại rất lớn (siêu cao hoặc cao trên trung bình).
Buying Climax (SOW) và Selling Climax (SOS): Thoạt nhìn thì chúng ta sẽ nghĩ rằng mẫu hình này không có sự bất thường vì thân nến dài và khối lượng cao. Tuy nhiên, sự bất thường ở 2 mẫu hình chênh lệch giá – khối lượng này lại đến từ sự từ chối giá của thị trường.
Ở mẫu hình Buying Climax, cây nến có bóng nến trên dài đáng kể (25-50% thân nến), điều này chứng tỏ phe bán đang cố gắng chặn đà tăng của phe mua, do đó khối lượng theo lý phải giảm. Nhưng trong mẫu hình này, khối lượng lại cao, đó chính là sự bất thường.
Tương tự, ở mẫu hình Selling Climax, cây nến có bóng nến dưới dài đáng kể, điều này chứng tỏ phe mua đang cố gắng tìm mọi cách chặn đà giảm của giá nên khối lượng phải giảm đi. Nhưng, trong trường hợp này, khối lượng lại tăng cao, vì thế sự bất thường đã xảy ra theo một hình thức mới.
No Demand Bar (SOW) và No Supply Bar (SOS): hoàn toàn không có sự bất thường giữa chênh lệch giá và khối lượng trong 2 mẫu hình nến này vì thân nến đặc biệt ngắn và khối lượng thấp. Tuy nhiên, vì nguồn cung (SOS) và cầu (SOW) đột nhiên yếu đi làm cho mối quan hệ cung – cầu bị mất cân bằng, giá sẽ dịch chuyển dựa trên sự mất cân bằng này, tăng lên khi không có nguồn cung hoặc giảm xuống khi không có nhu cầu.
Tại sao phương pháp VSA có thể hoạt động tốt và tốt hơn các phương pháp phân tích khác?
Điểm mấu chốt của VSA là nghiên cứu mối quan hệ giữa chênh lệch giá và khối lượng từ đó xác định nguyên nhân đằng sau mọi sự chuyển động của thị trường. Hiểu được nguyên nhân này, nhà giao dịch có thể dễ dàng nắm bắt xu hướng của giá trong tương lai.
VSA tập trung theo dõi hoạt động của những nhà khai thác chuyên nghiệp hay nói đúng hơn là sự dịch chuyển của dòng tiền thông minh. Họ là những cá nhân, tổ chức có khối tài sản khổng lồ, có thể di chuyển thị trường đi theo hướng mình muốn. Và chính vì lý do này mà những trader nhỏ lẻ, giao dịch theo bầy đàn sẽ dễ dàng bị nhấn chìm bởi dòng tiền này.
Phương pháp VSA tốt hơn Phân tích kỹ thuật và Phân tích cơ bản ở điểm nào?
Nếu trader sử dụng các phương pháp phân tích kỹ thuật như Chỉ báo (Indicators), mô hình nến , mô hình giá, Price Action… thì tất cả họ đều sẽ giao dịch dựa trên các mô hình này một cách gần như giống nhau. Điều này càng khiến cho những ông lớn đó dễ dàng theo dõi hành vi của họ để tung một đòn lớn quét stoploss. Đây chính là lý do mà đa số các trader nhỏ lẻ bị thao túng bởi dòng tiền thông minh khi sử dụng phân tích kỹ thuật và giao dịch theo bầy đàn.
Đối với phân tích cơ bản, phạm trù và các khía cạnh của phương pháp này là quá rộng nên thường dẫn đến sự mâu thuẫn khi phân tích các yếu tố tác động đến giá cả.
Nếu kết hợp Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật thì sao?
Đúng, đã có rất nhiều trader thành công khi áp dụng kết hợp cả 2 trường phái này khi giao dịch nhưng đó chỉ là số ít vì sự kết hợp này không hề dễ dàng một chút nào. Nếu Phân tích cơ bản cung cấp lý do tham gia vào thị trường thì Phân tích kỹ thuật sẽ giải quyết vấn đề khi nào tham gia vào thị trường. Trong khi đó, phương pháp VSA vừa có thể đáp ứng được cả 2 vấn đề đó, vừa loại bỏ được tính chủ quan khi phân tích. VSA không chỉ tập trung vào giá cả mà còn tập trung vào khối lượng, giá cả có thể bị thao túng bởi dòng tiền thông minh nhưng khối lượng thì không.
Với các phương pháp khác thì sao?
Các phương pháp phân tích huyền thoại như sóng Elliott, Lý thuyết Gann, các mô hình nến, mô hình giá, Price Action… đều mang tính chủ quan của mỗi trader vì với cùng một mô hình nhưng mỗi người sẽ giao dịch theo nhiều cách khác nhau. Bên cạnh đó, những mô hình càng phổ biến thì càng được sử dụng nhiều, mà càng sử dụng nhiều thì các smart money sẽ dễ dàng theo dõi hành vi của số đông trader, từ đó dễ thao túng “bầy đàn” hơn.
Với 3 đặc tính của VSA: loại bỏ được tính chủ quan, không bị thao túng do bản thân phương pháp này đã phát hiện ra dòng tiền thao túng giá và xác định nguyên nhân gây ra mất cân bằng cung – cầu hay nguyên nhân đằng sau sự biến động của giá, phương pháp này đã dần chiếm ưu thế hơn so với các phương pháp phân tích khác và được rất nhiều trader chuyên nghiệp sử dụng thành công.
Một điều quan trọng nữa là VSA có thể áp dụng tốt ở bất kỳ thị trường nào, kể cả forex và trên bất kỳ khung thời gian nào.
Kết luận
Những gì mà chúng tôi trình bày ở trên không phải là tất cả về phương pháp VSA này, nhưng đó sẽ là những phần nội dung cơ bản nhất mà chúng tôi nghĩ rằng nó là thiết thực nhất để các bạn bước đầu tiếp cận phương pháp phân tích đặc biệt này.
Phương pháp VSA còn rất nhiều mẫu hình chênh lệch giá – khối lượng và các biến thể đa nến khác nữa. Chúng tôi sẽ hẹn các bạn vào một bài viết khác, ở đó, chúng tôi sẽ đi sâu hơn về các mẫu hình này.