Khi bước vào độ tuổi 30, có thể bạn thấy bản thân vẫn còn trẻ trung và bất khả chiến bại. Tuy nhiên, có một sự thật đáng sợ là bạn đã đi nửa đường đến thời khắc nghỉ hưu. Đã đến lúc để lại phía sau sự thiếu hiểu biết về tài chính của độ tuổi 20 và trở nên tiết kiệm hơn bằng cách làm chủ những thói quen tài chính hàng đầu dưới đây.
Bám sát ngân sách
Lập ngân sách có thể nói là một bài học cơ bản của quản lý tài chính. Hầu hết những người trong độ tuổi 20 đều từng biết về thiết lập ngân sách và, dù vô tình hay hữu ý, đã sử dụng một cách nào đó để quản lý ngân sách. Thậm chí, bất kì một người nào có ý định tích lũy và tiết kiệm thì hẳn đã phải đọc qua vài bài viết về tầm quan trọng và cách thiết lập ngân sách.
Tuy nhiên, rất ít người trẻ có thể bám sát ngân sách mà họ thiết lập. Khi bạn bước sang tuổi 30, đã đến lúc bỏ qua quy trình thiết lập ngân sách mơ hồ và bắt đầu phân bổ mỗi đồng tiền mà bạn kiếm được. Điều này có nghĩa là nếu bạn chỉ muốn chi 15 USD một tuần cho việc uống cà phê, bạn phải tự kiểm soát sau khi tuần này đã uống 3 ly cà phê.
Điểm chung của việc lập ngân sách là để biết được tiền của bạn đi về đâu, từ đó đưa ra những quyết định hợp lý. Hãy nhớ rằng “kiến tha lâu có ngày đầy tổ”, mỗi một đồng tiền đều có giá trị. Chi tiền cho việc mua sắm hay du lịch không có gì là xấu cả, miễn là chi phí bỏ ra phù hợp với ngân sách của bạn và không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu tiết kiệm của bạn.
Nhận thức được thói quen chi tiêu của bản thân sẽ giúp bạn phát hiện ra những chỗ có thể cắt giảm chi phí và làm thế nào để tiết kiệm nhiều tiền hơn cho khoản hưu trí hoặc đầu tư.
Ngừng việc tiêu hết lương
Một bài học tài chính vỡ lòng mà ai cũng cần phải học, đó là tiết kiệm. Những người giàu có nhất thế giới đã không có được vị trí như hôm nay nếu họ tiêu xài toàn bộ tiền lương mỗi tháng. Theo cuốn The Millionaire Next Door của Thomas J. Stanley, nhiều triệu phú tự thân chi tiêu rất cần kiệm.
Cuốn sách của Stanley cho thấy phần lớn triệu phú tự thân chỉ sử dụng xe hơi cũ và sống trong những căn nhà bậc trung. Tác giả cũng phát hiện ra những ai lái xe đắt tiền và mặc quần áo đắt đỏ thì sự thật là họ đang chìm trong nợ nần; tiền lương của họ không đủ để đáp ứng lối sống xa xỉ đó.
Hãy bắt đầu bằng cách sống chỉ dựa vào 90% thu nhập và tiết kiệm 10% còn lại. Bạn nên sử dụng chức năng tự động trích tiền đưa vào tài khoản tiết kiệm hưu trí khi có lương, như vậy bạn sẽ không còn đắn đo mỗi khi nhận lương nữa. Sau đó, tăng dần số tiền bạn sẽ tiết kiệm và giảm số tiền sẽ chi tiêu. Tốt nhất, hãy học cách sống chỉ sử dụng 60-80% tiền lương, tiết kiệm và đầu tư phần còn lại từ 20-40%.
Đọc thêm:
- Lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân – từ con số 0 đến tự do tài chính
- 5 Cuốn sách quản lý tài chính cá nhân giúp bạn thay đổi tư duy về tiền
Hãy thực tế về các mục tiêu tài chính
Mục tiêu tài chính của bạn là gì? Hãy ngồi xuống và nghĩ về chúng. Viết chúng ra và tìm ra cách biến chúng thành hiện thực. Bạn ít có khả năng đạt được bất kỳ mục tiêu nào nếu bạn không viết ra và có kế hoạch cụ thể
Chẳng hạn, nếu bạn muốn du lịch tới Ý, hãy ngừng mơ mộng về nó và lập kế hoạch. Tìm hiểu tổng chi phí của chuyến du lịch, sau đó tính toán số tiền phải tiết kiệm mỗi tháng. Kỳ nghỉ mơ ước của bạn có thể trở thành hiện thực trong vòng 1-2 năm nếu bạn thực hiện đúng các bước lập kế hoạch và tiết kiệm. Điều này cũng đúng với các mục tiêu tài chính cao cả khác, chẳng hạn như trả hết nợ hoặc tiết kiệm đủ tiền cho một khoản trả góp nào đó.
Tìm hiểu tình hình nợ nần của bản thân
Nhiều người trở nên tự mãn về khoản nợ của họ sau khi bước vào độ tuổi 30. Với những ai có khoản vay sinh viên, thế chấp, nợ thẻ tín dụng và vay tự động, trả nợ đã trở thành lối sống. Họ thậm chí có thể nhìn nhận việc nợ nần là bình thường. Sự thật là họ không cần sống cả đời chỉ để lo trả nợ. Việc đánh giá số nợ và thiết lập ngân sách giúp chúng ta tránh vay thêm nợ.
Có nhiều phương pháp để trả nợ nhưng hiệu ứng quả cầu tuyết trở nên phổ biến khi đã giúp nhiều người duy trì được động lực. Hãy viết ra tất cả khoản nợ của bạn từ nhỏ nhất đến lớn nhất, bất kể lãi suất. Sau đó, thanh toán số tiền tối thiểu phải trả cho tất cả khoản nợ, ngoại trừ khoản nợ nhỏ nhất. Đối với khoản nợ nhỏ nhất, mỗi tháng bạn trả được càng nhiều thì càng tốt. Mục tiêu là trả xong khoản nợ nhỏ nhất trong vòng vài tháng và sau đó là chuyển sang khoản nợ tiếp theo.
Trả hết các khoản nợ sẽ có tác động đáng kể đến tình hình tài chính của bạn. Ngân sách của bạn sẽ có nhiều không gian hơn và bạn sẽ có thêm tiền dành cho các mục tiêu tiết kiệm và tài chính.
Lập quỹ khẩn cấp
Quỹ khẩn cấp rất quan trọng đối với sức khỏe tài chính của bạn. Nếu không có quỹ khẩn cấp, nhiều khả năng bạn sẽ đụng đến khoản tiền tiết kiệm hoặc dựa dẫm vào thẻ tín dụng để giúp bạn chi trả những khoản ngoài dự kiến, như y tế và đồ đạc. Bước đầu tiên là xây dựng quỹ khẩn cấp 1,000 USD, đó là mức tối thiểu mà tài khoản của bạn nên có. Bằng cách trích ra 100 USD mỗi tháng, trong vòng 10 tháng, bạn sẽ có quỹ khẩn cấp 1,000 USD.
Sau đó, bạn có thể điều chỉnh con số này tùy thuộc vào chi phí hàng tháng. Một số nhà tư vấn tài chính khuyên bạn nên có tương đương 3 tháng chi phí sinh hoạt trong quỹ, có người đề nghị 6 tháng. Tất nhiên, số tiền bạn có thể tiết kiệm sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của bạn.
Đừng quên khoản nghỉ hưu
Hầu hết mọi người khi bước vào độ tuổi 30, một là không có đồng nào trong tài khoản hưu trí, hai là số tiền đó rất hạn chế. Nếu bạn muốn có 1 triệu USD, bạn phải tiết kiệm ngay bây giờ, đừng chờ trúng số hoặc đợi đến khi ngân sách của bạn thoải mái hơn.
Ở độ tuổi 30, bạn vẫn còn thời gian, vì vậy đừng lãng phí nó. Hãy chắc chắn rằng bạn nhận được những lợi ích tương xứng từ công ty. Nhiều công ty sẽ trao cho bạn những lợi ích tương xứng với sự đóng góp của bạn ở một mức độ nhất định, miễn là bạn gắn bó với công ty đủ lâu để nhận được những lợi ích đó, cơ bản đây là khoản tiền miễn phí dành cho việc nghỉ hưu của bạn. Tiết kiệm càng sớm, bạn sẽ càng kiếm được nhiều tiền lãi!
Đọc thêm: Quản lý tài chính cá nhân theo phong cách của người Nhật – Thủ thuật quản lý tài chính, tiết kiệm hoàn hảo