Khi tìm kiếm những chiến lược giao dịch với indicators hoặc bất kỳ những công cụ, phương pháp phân tích khác thì đa phần kết quả mà chúng ta nhận được sẽ là các chiến lược giao dịch trung hoặc dài hạn và rất hiếm chiến lược nào phù hợp với các Day traders.
Nhiều người cố ép những chiến lược dài hạn đó vào trong các day trading hay scalping trading bằng cách giữ nguyên mọi setup, chỉ thay đổi time frame và tất nhiên sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả như mong đợi. Mỗi một phong cách giao dịch sẽ chỉ phù hợp với các chiến lược được thiết kế dành riêng cho phong cách đó, nó phù hợp với cá tính của trader, phù hợp với lợi nhuận kỳ vọng và mức độ chấp nhận rủi ro. Do đó, có 2 vấn đề mà một trader mới cần lưu ý:
- Thứ nhất, xác định phong cách giao dịch và tự mình xây dựng được hệ thống, chiến lược giao dịch phù hợp với phong cách đó bằng chính những kiến thức mà các bạn đã học được.
- Thứ hai, tham khảo chiến lược của người khác, hãy thử – sai và tùy chỉnh sao cho chiến lược phù hợp với hệ thống giao dịch chung của bạn, biến nó thành chiến lược hiệu quả của riêng bạn.
Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một chiến lược giao dịch cụ thể dành cho các Day Traders – chiến lược sử dụng chỉ báo Stochastic. Cùng theo dõi nhé.
Nhưng trước khi đi vào chiến lược và cách giao dịch cụ thể, các bạn cần hiểu rõ hơn về indicator mà bạn sẽ sử dụng hoặc có thể bỏ qua nếu bạn đã nắm bắt được chỉ báo này.
Chỉ báo Stochastic là gì? Công thức tính
Stochastic là một chỉ báo xung lượng, cho biết sức mạnh hiện tại của xu hướng là mạnh hay yếu và nó còn giúp trader xác định được tình trạng quá mua hay quá bán bên trong xu hướng đó.
Stochastic được phát triển bởi George C.Lane vào cuối những năm 1950, và lý do khiến nó còn tồn tại cho đến bây giờ chính là những tín hiệu mà nó tạo ra vẫn còn có giá trị cho giao dịch của trader.
Một chỉ báo khác cùng nhóm với Stochastic, hoạt động tương tự như Stochastic là RSI nhưng trong chiến lược giao dịch Day Trading, Stochastic được ưa chuộng hơn vì chỉ báo này chú trọng đến giá đóng cửa nhiều hơn – mức giá quan trọng nhất trong giao dịch forex.
Chỉ báo Stochastic bao gồm 2 thành phần: đường %D và đường %K
Trong đó:
- Close: giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại (là phiên thứ 14)
- Low (14): giá thấp nhất của 14 phiên giao dịch
- High (14): giá cao nhất của 14 phiên giao dịch
- SMA (%K, 3): giá trị trung bình trượt đơn giản chu kỳ 3 của %K.
Đường %K là đường Chính (Main line) thể hiện các giá trị của chỉ báo. Đường %D là đường Tín hiệu Signal.
Stochastic cung cấp tín hiệu giao dịch gì?
Chỉ báo này cung cấp đến 3 loại tín hiệu khác nhau, mỗi tín hiệu có thể sẽ là tối ưu trong một chiến lược nhất định hoặc trader có thể kết hợp chúng lại với nhau. Nhưng trước hết, đó là 3 loại tín hiệu gì?
Tín hiệu quá mua, quá bán
Khi Stochastic đi vào vùng quá mua (nằm trên đường 80) và bắt đầu rời khỏi nó, tức là Stochastic sẽ cắt đường 80 từ trên xuống, dấu hiệu thị trường điều chỉnh giảm à vào lệnh Sell.
Khi Stochastic rơi vào vùng quá bán (nằm dưới đường 20) và bắt đầu rời khỏi nó, nghĩa là chỉ báo này sẽ cắt đường 20 từ dưới lên, dấu hiệu thị trường điều chỉnh tăng à vào lệnh Buy.
Tín hiệu phân kỳ/hội tụ
Phân kỳ: trong xu hướng tăng, giá vẫn tạo đỉnh mới cao hơn nhưng RSI lại tạo đỉnh mới thấp hơn, chứng tỏ động lực của xu hướng đang yếu đi, khả năng thị trường đảo chiều giảm → vào lệnh Sell.
Hội tụ: ngược lại, giá vẫn tạo đáy mới thấp hơn trong xu hướng giảm nhưng RSI lại tạo đáy cao hơn, điều này cho thấy lực của xu hướng giảm đã yếu đi, khả năng thị trường sẽ đảo chiều tăng → vào lệnh Buy.
Tín hiệu giao cắt giữa 2 đường %K và %D
Đường %K cắt đường %D từ dưới lên à thị trường chuyển sang xu hướng tăng à vào lệnh Buy.
Đường %K cắt đường %D từ trên xuống à thị trường chuyển sang xu hướng giảm à vào lệnh Sell.
Để hiểu chi tiết về các loại tín hiệu này, cũng như ý nghĩa của Stochastic, các bạn có thể tham khảo bài viết sau: Chỉ báo Stochastic là gì? Cách sử dụng Stochastic hiệu quả nhất
Chiến lược giao dịch với Stochastic dành cho Day Traders
Trước hết, các bạn phải hiểu rõ về phong cách giao dịch Day Trading, có thực sự là các bạn đang theo đuổi nó và nó có thật sự phù hợp với bạn hay không? Vấn đề này vô cùng quan trọng.
Day Trading là phong cách giao dịch ngắn hạn, giao dịch trong ngày, trader sẽ tận dụng những biến động nhỏ để kiếm lời và tất cả các vị thế đều được đóng lại trong ngày, không giữ qua đêm.
Và các chiến lược được thực hiện theo phong cách Day Trading phải có setup phù hợp với những đặc điểm trên.
Setup của chiến lược giao dịch với Stochastic
- Công cụ phân tích sử dụng: chỉ duy nhất chỉ báo Stochastic
- Khung thời gian giao dịch: M15 (15 phút)
- Các thông số cài đặt của chỉ báo Stochastic:
- Đường %K: chu kỳ 14
- Đường %D: chu kỳ 3, phương pháp trung bình trượt giản đơn SMA
Đây là chiến lược giao dịch thuận xu hướng chính, điều này đồng nghĩa với việc các bạn phải xác định được xu hướng chung ở một khung thời gian lớn hơn, trước khi chuyển sang khung thời gian M15 để vào lệnh.
Các bước giao dịch cụ thể của chiến lược:
Áp dụng cho một lệnh BUY
Bước 1: Kiểm tra điều kiện giao dịch trên khung thời gian D1
- Chỉ báo Stochastic đang nằm dưới đường 20 hay đang đi vào vùng quá bán
- Đường %K cắt đường %D từ dưới lên
Điều kiện thứ nhất chứng tỏ thị trường đang rơi vào trạng thái quá bán → có khả năng sẽ điều chỉnh tăng.
Điều kiện thứ hai, khi %K cắt %D từ dưới lên nghĩa là thị trường đang có tín hiệu chuyển từ giảm sang tăng.
Tuy nhiên, điều kiện thứ nhất có thể được linh hoạt hơn, Stochastic không nhất thiết phải nằm dưới đường 20 mà ở thời điểm hiện tại, nó có thể là vượt lên trên ngưỡng này nhưng không được vượt quá ngưỡng 50.
Bước 2: Thiết lập điều kiện giao dịch trên khung thời gian M15
Trên khung thời gian M15, chờ cho Stochastic đi xuống dưới đường 20 và đường %K cắt đường %D từ dưới lên.
Các điều kiện ở bước này hoàn toàn giống bước 1 nhưng được thực hiện trên khung thời gian M15.
Thông thường, nếu 2 điều kiện này xảy ra, chúng ta có thể vào ngay một lệnh Buy, nhưng bạn biết đấy thị trường có thể duy trì bên trong vùng quá mua hoặc quá bán rất lâu trước khi điều chỉnh và nếu nó kéo dài, các giao dịch ngắn hạn của chúng ta sẽ trở nên bất lợi. Do đó, để xác định thực sự Stochastic có rời khỏi vùng quá bán hay không, chiến lược này cần thêm một điều kiện nữa.
Bước 3: Điều kiện xác nhận thị trường chính thức điều chỉnh tăng
Đơn giản thôi, chờ cho Stochastic, cụ thể là đường %K (vì đường %D sẽ theo sát ngay sau) cắt ngưỡng 20 lên trên. Lúc này, thị trường đã thực sự thoát ra khỏi vùng quá bán, giá sẽ tăng lên.
Bước 4: Thêm điều kiện xác nhận thị trường sẽ tăng giá với một Swing Low.
Sau khi mọi điều kiện của Stochastic đã được đáp ứng để đủ khả năng dự báo giá sẽ tăng lên thì chúng ta cần thêm một tín hiệu xác nhận khác, đó chính là Swing Low và việc xác định Swing Low sẽ giúp cho lệnh có Entry đẹp hơn.
Swing Low được hình thành khi thị trường kết thúc đợt điều chỉnh giảm và tiếp tục trở lại xu hướng tăng.
Một Swing Low điển hình có cấu trúc gồm 3 nến:
- Cây nến đầu tiên thường là cây nến giảm và không có yêu cầu cụ thể nào cho cây nến này.
- Cây nến thứ hai tăng hay giảm đều được nhưng giá thấp nhất của nó phải thấp hơn giá thấp nhất của cây nến 1.
- Cây nến thứ ba thường sẽ là cây nến tăng với giá thấp nhất của nến này phải cao hơn giá thấp nhất của cây nến 2.
Bước 5: Xác định thời điểm vào lệnh
Sau khi Swing Low hình thành, chờ cho giá breakout mức giá cao nhất của Swing Low`1Q thì vào ngay lệnh Buy.
Bước 6: Đặt stop loss, take profit
Stop loss được đặt ngay phía dưới Swing Low gần nhất trước đó.
Với chiến lược này, các bạn có thể đặt mục tiêu take profit bằng 2 lần stop loss.
Tóm tắt chiến lược
Mặc dù có đến 6 bước, nhưng trong quá trình các bạn thực hiện giao dịch trên đồ thị giá thì mọi thứ sẽ chỉ diễn ra rất nhanh. Chúng tôi có thể tóm tắt lại 6 bước này thành những ý chính như sau:
- Thứ nhất, trên khung thời gian D1, Stochastic phải ở dưới ngưỡng 20 hoặc có thể đã vượt lên trên nhưng không được quá ngưỡng 50 và đường %K cắt đường %D từ dưới lên.
- Thứ hai, trên khung thời gian M15, Stochastic phải ở dưới ngưỡng 20, đường %K cắt đường %D từ dưới lên và chờ cho đường %K cắt ngưỡng 20 từ dưới lên.
- Thứ ba, chờ mô hình Swing Low xuất hiện
- Thứ tư, vào lệnh Buy khi mức giá cao nhất của Swing Low bị phá vỡ, đặt stop loss ngay dưới Swing Low gần nhất trước đó, take profit mục tiêu = 2 lần stop loss.
Đối với lệnh SELL, các bạn thực hiện tương tự nhưng ngược lại, cụ thể
- Thứ nhất, trên khung thời gian D1, Stochastic phải ở trên ngưỡng 80 hoặc có thể đã vượt xuống dưới nhưng không được quá ngưỡng 50 và đường %K cắt đường %D từ trên xuống.
- Thứ hai, trên khung thời gian M15, Stochastic phải ở trên ngưỡng 80, đường %K cắt đường %D từ trên xuống và chờ cho đường %K cắt ngưỡng 80 từ trên xuống.
- Thứ ba, chờ mô hình Swing High xuất hiện
- Thứ tư, vào lệnh Sell khi mức giá thấp nhất của Swing High bị phá vỡ, đặt stop loss ngay trên Swing High gần nhất trước đó, take profit mục tiêu = 2 lần stop loss.
Ví dụ cụ thể về chiến lược giao dịch với Stochastic dành cho Day Traders
Ví dụ 1: Lệnh Buy
Trên khung thời gian D1 của cặp USD/CHF, Stochastic đang nằm dưới ngưỡng 20 → thị trường rơi vào vùng quá bán, đồng thời đường %K cũng đã cắt đường %D từ dưới lên → tín hiệu về khả năng thị trường bắt đầu điều chỉnh tăng.
Tiếp đến, chuyển sang khung thời gian M15 để tìm kiếm cơ hội giao dịch.
Trên khung thời gian M15, Stochastic cũng đang nằm dưới ngưỡng 20 → thị trường rơi vào vùng quá bán và đồng thời đường %K cũng đã cắt đường %D từ dưới lên → tín hiệu về khả năng thị trường bắt đầu điều chỉnh tăng.
Khi mà %K cắt ngưỡng 20 đi lên thì trên đồ thị giá cũng đã hình thành mô hình Swing Low, tuy nhiên lúc này, cây nến theo sau vẫn chưa phá vỡ được mức giá cao nhất của mô hình (chỉ phá vỡ được mức giá cao nhất của cây nến thứ 3). Tiếp tục chờ đợi tín hiệu giá breakout mức giá cao nhất của mô hình Swing Low để vào lệnh.
Mở đầu phiên giao dịch tiếp theo, thị trường tạo GAP tăng và đồng thời giá mở cửa của phiên này cũng đã phá vỡ được mô hình Swing Low, các bạn có thể vào lệnh ngay tại mức giá mở cửa này.
Để đặt stop loss và take profit, các bạn cần thu nhỏ đồ thị giá M15 để xác định vị trí Swing Low gần nhất.
Ví dụ 2: lệnh Sell
Trên khung thời gian D1 của cặp XAU/USD, Stochastic mặc dù không còn nằm trên ngưỡng 80, đã cắt ngưỡng 80 đi xuống nhưng vẫn chưa cắt xuống dưới ngưỡng 50. Và đường %K cũng đã cắt đường %D từ trên xuống → báo hiệu thị trường đang điều chỉnh giảm.
Trên khung thời gian M15, Stochastic cũng đang nằm trên ngưỡng 80 và đường %K cắt đường %D từ trên xuống.
Lúc này, mặc dù mô hình Swing High đã hình thành trên đồ thị giá nhưng %K vẫn chưa cắt xuống ngưỡng 80, tiếp tục chờ đợi tín hiệu từ Stochastic.
Ngay khi đường %K cắt ngưỡng 80 đi xuống thì đồng thời giá cũng đã phá vỡ được mức giá thấp nhất của Swing High → Vào ngay lệnh Sell.
Tương tự, thu nhỏ biểu đồ để đặt stop loss, take profit.
Kết luận
Nếu bạn đang theo đuổi phong cách Day Trading và đang tìm kiếm một chiến lược giao dịch hiệu quả thì có thể thử nghiệm chiến lược mà chúng tôi đã gợi ý ở trên. Chắc chắn nó sẽ không luôn đúng trong mọi điều kiện thị trường nhưng nó đã được áp dụng hiệu quả bởi rất nhiều pro Day traders. Hoặc, chiến lược này cũng xem như một sự hướng dẫn chi tiết để các bạn có thể tự xây dựng nên một chiến lược riêng của mình, dựa trên chỉ báo mạnh mẽ Stochastic.