Quasimodo không phải là một trong số những mô hình giá phổ biến nhất, được trader biết đến và sử dụng nhiều trong giao dịch hằng ngày, nhưng nó lại là một chart pattern cực kỳ mạnh mẽ và đáng tin cậy để giao dịch.
Khi nhắc đến Quasimodo pattern, người ta sẽ nghĩ ngay đến mô hình Vai đầu vai (Head and Shoulders pattern) vì chúng khá giống nhau. Cũng giống Vai đầu vai, Quasimodo pattern là một mô hình nến đảo chiều nhưng tiềm năng lợi nhuận mà nó mang lại rất đáng kinh ngạc.
Mặc dù không quá khó để nhận biết mô hình nhưng quan trọng hơn hết, để trader có thể giao dịch một cách hiệu quả nhất chính là hiểu được tâm lý thị trường đằng sau nó. Và trong bài viết lần này, kienthucforex.com sẽ giới thiệu đến các bạn mô hình giá lạ lẫm này, ý nghĩa của nó và cả chiến lược giao dịch hiệu quả nhất. Đừng bỏ qua nhé.
Quasimodo là gì?
Nếu không liên quan đến forex hay giao dịch tài chính thì có lẽ nhiều người yêu thích văn học sẽ nghĩ ngay đến nhân vật trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo. Quasimodo cũng là tên của một hội chứng chỉ những người mặc cảm về khiếm khuyết trên cơ thể. Và thực ra, không tự nhiên mà một mô hình giá trong giao dịch tài chính lại cũng được đặt cái tên này. Bởi vì đặc điểm của nó cũng sẽ khiến bạn hình dung ra một cơ thể không hài hòa. Nếu mô hình Vai đầu vai được tạo bởi 2 vai trái và phải cân đối nhau thì Quasimodo lại là mô hình bị biến dạng ở một bên vai. Cũng có thể vì vậy mà người ta đã hình dung ngay đến gã gù trong cuốn tiểu thuyết đó mà đặt tên cho mô hình là Quasimodo.
Quasimodo là mô hình giá đảo chiều, xuất hiện vào cuối một xu hướng vững chắc trước đó, báo hiệu xu hướng đang yếu đi và khả năng thị trường sẽ đảo chiều.
Quasimodo cũng có 2 dạng: Bullish Quasimodo và Bearish Quasimodo.
Mô hình Bearish Quasimodo là gì?
Là một chart pattern đảo chiều giảm, xuất hiện vào cuối xu hướng tăng và báo hiệu xu hướng sắp kết thúc, khả năng thị trường sẽ đảo chiều giảm.
Bearish Quasimodo xuất hiện trong nhiều thị trường tài chính khác nhau như chứng khoán, forex, crypto và trên tất cả các khung thời gian. Tuy nhiên, mô hình này chỉ có độ tin cậy cao trên những khung thời gian lớn, đa số các trader thường sẽ chỉ giao dịch nếu mô hình này xuất hiện trên khung M30 trở lên.
Đặc điểm nhận diện và so sánh với mô hình Vai đầu vai thuận.
Mô hình Bearish Quasimodo bao gồm 3 đỉnh và 2 đáy với đỉnh ở giữa cao nhất, 2 đỉnh bên cạnh có chiều cao gần như bằng nhau và đáy thứ 2 thấp hơn đáy thứ nhất.
Đến đây thì các bạn đã thấy Bearish Quasimodo khá giống với mô hình Vai đầu vai thuận rồi đúng không?
Vì thế mà mô hình Quasimodo cũng được gọi là biến thể của mô hình Head and Shoulders.
Nếu mô hình Vai đầu vai thuận có 2 đáy gần như bằng nhau (đường Neckline nằm ngang) thì trong mô hình Bearish Quasimodo, đáy thứ hai luôn thấp hơn đáy thứ nhất.
Đối với mô hình Bearish Quasimodo, cấu trúc của xu hướng tăng phía trước bị phá vỡ sớm hơn so với mô hình Head and Shoulders. Sau khi tạo đỉnh cao nhất, giá giảm xuống thấp hơn đáy trước đó (LL), lúc này, cấu trúc của xu hướng tăng đã bị phá vỡ và khi giá tạo đỉnh thứ ba thấp hơn đỉnh ở giữa thì cấu trúc xu hướng giảm mới được hình thành. Trong khi đó, ở mô hình Vai đầu vai thuận, cấu trúc xu hướng tăng chỉ thực sự bị phá vỡ khi giá breakout đường Neckline.
Do đó, mô hình Bearish Quasimodo cung cấp tín hiệu đảo chiều giảm sớm hơn và mạnh mẽ hơn so với Vai đầu vai thuận. Vì thế mà chiến lược vào lệnh cũng sẽ khác nhau giữa 2 mô hình. Nếu mô hình Head and Shoulders có điểm vào lệnh khi giá breakout đường Neckline, thì với mô hình Bearish Quasimodo, trader sẽ vào lệnh ở mức giá gần với vai trái.
Tâm lý thị trường đằng sau mô hình Bearish Quasimodo
Ở giai đoạn đầu (1), đây là giai đoạn thịnh vượng của xu hướng tăng, thị trường đầy hy vọng, thu hút các nhà giao dịch đột phá lẫn nhà giao dịch theo xu hướng mua vào, tạo điều kiện để giá tiếp tục hình thành các đỉnh cao hơn và đáy cao hơn.
Sau khi điều chỉnh giảm, thị trường phục hồi và tạo đáy mới cao hơn tại vị trí (2), đây cũng là vị trí mà các nhà giao dịch theo xu hướng đã tham gia vào thị trường ở đợt giảm giá mới. Tuy nhiên, đây lại là vị trí hòa vốn của những nhà giao dịch đột phá, những người đã mua vào khi giá phá vỡ mức cao trước đó, có xu hướng thanh lý các vị thế của mình. Mặc dù vậy, lực mua theo xu hướng vẫn còn đang mạnh khiến giá tiếp tục tăng lên tạo đỉnh mới cao hơn.
Quá trình như vậy sẽ được tiếp diễn cho đến khi các nhà giao dịch theo xu hướng đã hài lòng với mức lợi nhuận cao đạt được, các nhà giao dịch đột phá thanh lý hết vị thế của mình, lúc này, giá sẽ giảm xuống phá vỡ mức thấp cao hơn (đáy cao hơn) trước đó, mức giá tại vị trí (2) bị phá vỡ)
Khi giá phá vỡ được mức thấp này, đám đông bên ngoài sẽ nhảy vào Bán với kỳ vọng thị trường đã đảo chiều, khiến cho giá tiếp tục giảm. Sau đó, thị trường điều chỉnh tăng, đây là lúc những ông lớn của phe gấu đang đẩy giá lên cao hơn để được bán ra với mức giá tốt hơn nữa, tuy nhiên, mức giá sẽ không thể vượt qua khỏi đỉnh cao hơn trước đó vị trí (3), nếu không phe mua sẽ lại một lần nữa đặt niềm tin vào một thị trường tăng giá → kế hoạch của ông lớn sẽ không thành công. Sau khi đạt được mục đích đẩy giá lên cao hơn, những ông lớn này sẽ dốc lên lực lượng để bán ra, kéo giá xuống sâu hơn, thị trường chính thức đảo chiều.
Mô hình Bullish Quasimodo là gì?
Là một mô hình giá đảo chiều tăng, xuất hiện vào cuối một xu hướng giảm vững chắc trước đó, báo hiệu xu hướng sắp kết thúc và khả năng thị trường sẽ đảo chiều tăng.
Tương tự, mô hình Bullish Quasimodo cũng xuất hiện trên hầu hết các thị trường tài chính, trên mọi loại tài sản và có hiệu quả trên những khung thời gian lớn.
Đặc điểm nhận diện và so sánh với mô hình Vai đầu vai ngược
Mô hình Bullish Quasimodo bao gồm 3 đáy và 2 đỉnh xen kẽ nhau, với đáy ở giữa (còn gọi là đầu) thấp nhất, 2 đáy bên cạnh (còn gọi là vai trái và vai phải) có độ cao gần như bằng nhau và đỉnh thứ hai luôn cao hơn đỉnh thứ nhất.
Mô hình Bullish Quasimodo chính là biến thể của mô hình Vai đầu vai ngược
Nếu Vai đầu vai ngược có đỉnh thứ hai gần như bằng với đỉnh thứ nhất thì Bullish Quasimodo luôn có đỉnh thứ hai cao hơn.
Tương tự, cấu trúc của xu hướng giảm bị phá vỡ sớm hơn ở mô hình Bullish Quasimodo so với Vai đầu vai ngược. Khi đỉnh thứ hai được hình thành và cao hơn đỉnh thứ nhất thì cấu trúc xu hướng giảm đã bị phá vỡ. Và lúc giá tạo đáy thứ ba cao hơn đáy ở giữa thì cấu xu hướng tăng mới được hình thành. Do đó, tín hiệu thị trường đảo chiều tăng trong mô hình Bullish Quasimodo xuất hiện sớm hơn và mạnh mẽ hơn so với mô hình Vai đầu vai ngược.
Nếu trong mô hình Vai đầu vai ngược, trader sẽ vào lệnh khi giá breakout đường Neckline thì với mô hình Bullish Quasimodo, điểm vào lệnh sẽ gần với vai trái của mô hình.
Tâm lý thị trường đằng sau mô hình Bullish Quasimodo
Về tâm lý thị trường đằng sau mô hình Bullish Quasimodo, các bạn có thể phân tích tương tự với mô hình Bearish Quasimodo nhưng theo chiều hướng ngược lại.
Khi nào thì trader nên thiết lập giao dịch với mô hình Quasimodo?
Thứ nhất, thời điểm tốt nhất để giao dịch với mô hình Quasimodo chính là sau một đợt phục hồi hoặc bán tháo đáng kể trước đó, tức là thị trường đã hình thành một xu hướng rõ ràng và tương đối vững mạnh. Và khi thị trường đang trong một xu hướng rõ ràng, nó sẽ được thể hiện qua cấu trúc của xu hướng.
Thứ hai, mô hình Quasimodo hoạt động dựa trên tính chất cấu trúc xu hướng, nên khi cấu trúc xu hướng bị phá vỡ thì trader sẽ thiết lập chiến lược giao dịch với mô hình này. Cụ thể,
Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng (giá liên tục tạo đỉnh mới cao hơn (HH) và đáy mới cao hơn (HL), thì khi giá không thể tạo đáy mới cao hơn, mô hình Bearish Quasimodo bước đầu được hình thành.
Nếu thị trường đang trong xu hướng giảm (giá liên tục tạo đáy mới thấp hơn (LL) và đỉnh mới thấp hơn (LH), thì khi giá không thể tạo đỉnh mới thấp hơn, mô hình Bullish Quasimodo bắt đầu xuất hiện.
Cách giao dịch với mô hình Quasimodo?
Đối với mô hình Bearish Quasimodo
Điều kiện giao dịch:
- Thị trường đang trong xu hướng tăng rõ ràng, một loạt các đỉnh mới cao hơn (HH) và một loạt các đáy mới cao hơn (HL)
- Cấu trúc xu hướng tăng bị phá vỡ: giá hình thành đáy mới thấp hơn (LL)
Thiết lập giao dịch
Vào lệnh: có 2 cách vào lệnh khi giao dịch với mô hình Bearish Quasimodo
- Cách 1: đặt lệnh chờ bán, cụ thể là Sell Limit tại mức giá gần với vai trái (đỉnh thứ nhất)
- Cách 2: vào lệnh Sell khi có tín hiệu giá quay đầu giảm tại vai phải (đỉnh thứ ba)
Đặt stop loss: ngay phía trên đỉnh cao nhất của mô hình (trên đỉnh đầu)
Đặt take profit: lợi nhuận mục tiêu của mô hình chính là mức giá gần với đáy thứ hai của mô hình Bearish Quasimodo.
Mô tả cách giao dịch với mô hình Bearish Quasimodo
Đối với mô hình Bullish Quasimodo
Điều kiện giao dịch:
Thị trường đang trong xu hướng giảm rõ ràng, một loạt các đáy mới thấp hơn (LL) và một loạt các đỉnh mới thấp hơn (LH)
Cấu trúc xu hướng giảm bị phá vỡ: giá hình thành đỉnh mới cao hơn (HH)
Thiết lập giao dịch
Vào lệnh: có 2 cách vào lệnh khi giao dịch với mô hình Bullish Quasimodo
Cách 1: đặt lệnh chờ mua, cụ thể là Buy Limit tại mức giá gần với vai trái (đáy thứ nhất)
Cách 2: vào lệnh Buy khi có tín hiệu giá quay đầu tăng tại vai phải (đáy thứ ba)
Đặt stop loss: ngay phía dưới đáy thấp nhất của mô hình (phía dưới đỉnh đầu bị đảo ngược)
Đặt take profit: lợi nhuận mục tiêu của mô hình chính là mức giá gần với đỉnh thứ hai của mô hình Bullish Quasimodo.
Mô tả cách giao dịch với mô hình Bullish Quasimodo
Lưu ý: mặc dù cách đặt stop loss và take profit tiêu chuẩn như đã được trình bày ở trên nhưng trong điều kiện thị trường thực tế, nếu các điểm SL và TP này làm cho tỷ lệ Risk:Reward không tốt thì các bạn có thể tùy chỉnh các vị trí SL, TP sao cho tỷ lệ R:R được cải thiện. Ví dụ: đối với mô hình Bearish Quasimodo, thay vì đặt stop loss ngay phía trên đỉnh cao nhất của mô hình thì các bạn có thể đặt ngay trên đỉnh thứ ba (vai phải), hoặc dời TP ra vị trí xa hơn nếu có sự xác nhận mạnh mẽ tín hiệu đảo chiều.
Ví dụ
Trước khi mô hình Quasimodo xuất hiện, thị trường đang trong xu hướng giảm rõ rệt. Khi giá không thể tạo đỉnh mới thấp hơn (đỉnh 2 cao hơn đỉnh 1) thì cấu trúc xu hướng giảm bị phá vỡ.
Tiến hành vẽ các đoạn sóng để nhận diện mô hình rõ hơn (như hình trên). Chiến lược của chúng ta là Buy tại mức giá gần với Vai trái sau khi giá quay đầu giảm tại Đỉnh 2. Có thể đặt một lệnh Buy Limit tại mức giá ứng với Vai trái hoặc chờ giá tiến gần đến Vai trái và có dấu hiệu quay đầu tăng thì vào ngay lệnh Buy. Tuy nhiên, đời không như là mơ, giá chỉ đi được nửa đường thì đảo chiều tăng. Nếu quá cứng nhắc chờ đợi giá tiến gần Vai trái rồi mới vào lệnh như cách giao dịch tiêu chuẩn thì trong trường hợp này, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội giao dịch tuyệt vời với mô hình Bullish Quasimodo. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp như vậy xảy ra, mô hình Quasimodo không nhất thiết phải có 2 vai bằng nhau.
Do đó, để không bỏ lỡ cơ hội giao dịch, cũng như xác suất giao dịch thành công được cao hơn thì chúng ta cần thêm tín hiệu để xác nhận sự đảo chiều trong mô hình Quasimodo.
Chiến lược giao dịch hiệu quả với mô hình Quasimodo
Mặc dù mô hình Quasimodo cung cấp tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ nhưng tín hiệu của nó cũng cần được xác nhận lại để tăng tính hiệu quả cho giao dịch, như bất kỳ một chiến lược giao dịch trên một công cụ phân tích nào.
Có 4 loại tín hiệu xác nhận lại khả năng đảo chiều của mô hình Quasimodo, hoạt động hiệu quả nhất, bao gồm:
- Tỷ lệ vàng của Fibonacci Retracement
- Sự phân kỳ/hội tụ của giá và chỉ báo dao động
- Sự giao cắt giữa 2 đường trung bình trượt
- Sự xuất hiện của mô hình nến đảo chiều
Chiến lược giao dịch với Quasimodo kết hợp Fibonacci Retracement
Fibonacci Retracement là công cụ giao dịch cực kỳ mạnh mẽ để xác định các mức hỗ trợ, kháng cự tiềm năng. Ứng dụng chủ yếu của FR trong giao dịch forex chính là xác định thời điểm tiềm năng mà giá có thể quay đầu sau một đợt điều chỉnh.
Ý tưởng của chiến lược như sau:
- Trong mô hình Bearish Quasimodo, khi đáy thứ hai được hình thành thấp hơn đáy 1, tức cấu trúc xu hướng tăng đã bị phá vỡ. Đoạn sóng từ đỉnh thứ 2 đến đáy thứ 2 chính là đoạn sóng đầu tiên của xu hướng giảm mới và khi giá quay đầu tăng tại đáy 2 chính là lúc thị trường điều chỉnh tăng. Nhiệm vụ của FR lúc này chính là xác định thời điểm kết thúc đợt điều chỉnh tăng này, tức khi vào thì vai phải (hay đỉnh thứ 3) được hình thành.
- Tương tự, trong mô hình Bullish Quasimodo, khi đỉnh thứ hai được hình thành cao hơn đỉnh 1, tức cấu trúc xu hướng giảm đã bị phá vỡ. Đoạn sóng từ đáy thứ 2 đến đỉnh thứ 2 chính là đoạn sóng đầu tiên của xu hướng tăng mới và khi giá quay đầu giảm tại đỉnh 2 chính là lúc thị trường điều chỉnh giảm. Nhiệm vụ của FR lúc này chính là xác định thời điểm kết thúc đợt điều chỉnh giảm này, tức khi vào thì vai phải (hay đáy thứ 3) được hình thành.
Cách thực hiện chiến lược như sau:
- Sau khi xác định được sự xuất hiện của mô hình Quasimodo, tiến hành vẽ các đoạn sóng cho mô hình. Khi đáy thứ 2 (Bearish Quasimodo) hoặc đỉnh thứ 2 (Bullish Quasimodo) được hình thành, chúng ta sẽ vẽ được 4 đoạn sóng của mô hình.
- Vẽ FR cho đoạn sóng thứ 4.
- Vị trí tiềm năng mà giá sẽ kết thúc đợt điều chỉnh hay vai phải của mô hình được hoàn thành sẽ ứng với một trong các tỷ lệ thoái lui quan trọng của FR nhưng các tỷ lệ tiềm năng nhất sẽ thường nằm trong khoảng từ 0.5 đến tỷ lệ vàng 0.618.
- Sau khi giá chạm vào các tỷ lệ FR quan trọng này và cây nến theo sau xác nhận sự đảo chiều thì vào lệnh ngay.
Ví dụ:
Quay trở lại ví dụ của cặp USD/JPY ở trên. Chúng ta sẽ áp dụng chiến lược kết hợp Fibonacci Retracement trong trường hợp này.
Ở đây, đáy 3 thoái lui về gần với tỷ lệ vàng 0.618. Khi giá vượt qua khỏi FR 0.5 để tiến gần đến 0.618, lúc này, cây nến hiện tại đang có bóng nến dưới dài, chứng tỏ thị trường đang từ chối giá xuống sâu hơn. Cây nến theo sau lại là một cây nến tăng, xác nhận lại tín hiệu đảo chiều một lần nữa. Tất cả những tín hiệu đó đều dự báo về khả năng vai phải đã hoàn thành, giá sẽ bắt đầu tăng lên.
Vào lệnh Buy ngay khi cây nến xanh đóng cửa.
Đặt stop loss ngay phía dưới đáy 2 của mô hình.
Trong trường hợp này, nếu đặt take profit tại mức giá của đỉnh 2 thì tỷ lệ R:R không tốt. Hơn nữa, mô hình Bullish Quasimodo này lại cung cấp tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ, do đó, chúng ta có thể kỳ vọng một tỷ lệ R:R tốt hơn. Ở đây, các bạn có thể đặt take profit sao cho R:R bằng 2.0. Và trong tình huống này, giá chạm Take profit, chúng ta có lợi nhuận như mong muốn.
Chiến lược giao dịch với Quasimodo kết hợp chỉ báo RSI
RSI là chỉ báo kỹ thuật được sử dụng phổ biến, đặc biệt, tín hiệu phân kỳ, hội tụ của giá và RSI cực kỳ đáng tin cậy. Nếu các bạn để ý thì trong hầu hết các chiến lược cần xác nhận tín hiệu đảo chiều, chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng tín hiệu phân kỳ, hội tụ từ RSI. Một chỉ báo khác cũng được áp dụng thường xuyên trong chiến lược này, đó là MACD. Nhưng trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi sẽ chỉ giới thiệu đến các bạn chiến lược kết hợp Quasimodo với RSI.
Nhắc lại một chút về sự phân kỳ, hội tụ của giá và RSI
- Phân kỳ: khi thị trường đang trong xu hướng tăng, nếu giá tạo đỉnh mới cao hơn nhưng RSI lại tạo đỉnh mới thấp hơn → động lực của xu hướng tăng đang suy yếu, khả năng thị trường đảo chiều giảm.
- Hội tụ: khi thị trường đang trong xu hướng giảm, nếu giá tạo đáy mới thấp hơn nhưng RSI lại tạo đáy mới cao hơn → động lực của xu hướng giảm đang suy yếu, khả năng thị trường sẽ đảo chiều tăng.
Ý tưởng của chiến lược như sau:
Tín hiệu phân kỳ, hội tụ giữa giá và RSI sẽ xác nhận sự đảo chiều sớm, ngay cả trước khi mô hình Quasimodo xuất hiện. Hay nói cách khác, sự xuất hiện của mô hình Quasimodo mới chính là tín hiệu xác nhận lại khả năng đảo chiều tạo ra từ sự phân kỳ, hội tụ của RSI.
- Trong mô hình Bearish Quasimodo, thị trường đang trong xu hướng tăng, giá tạo đỉnh mới cao hơn (đỉnh 2) nhưng RSI tạo đỉnh mới thấp hơn → phân kỳ → dự báo thị trường đảo chiều giảm. Khi giá phá vỡ cấu trúc xu hướng tăng (đáy 2 hình thành) → mô hình Bearish Quasimodo xuất hiện → tín hiệu đảo chiều được củng cố.
- Trong mô hình Bullish Quasimodo, thị trường đang trong xu hướng giảm, giá tạo đáy mới thấp hơn (đáy 2) nhưng RSI tạo đáy mới cao hơn → hội tụ → dự báo thị trường đảo chiều tăng. Khi giá phá vỡ cấu trúc xu hướng giảm (đỉnh 2 hình thành) → mô hình Bullish Quasimodo xuất hiện → tín hiệu đảo chiều được củng cố.
Cách thực hiện chiến lược như sau:
- Nếu sự phân kỳ xuất hiện, chờ cho giá phá vỡ cấu trúc xu hướng tăng (tức tạo đáy 2 thấp hơn đáy 1) để mô hình Bearish Quasimodo bắt đầu hoạt động. Khi vai phải của mô hình hoàn thành (dấu hiệu giá quay đầu giảm tại đỉnh 2) → cơ hội để vào lệnh Sell.
- Nếu sự hội tụ xuất hiện, chờ cho giá phá vỡ cấu trúc xu hướng giảm (tức tạo đỉnh 2 cao hơn đỉnh 1) để mô hình Bullish Quasimodo bắt đầu hoạt động. Khi vai phải của mô hình hoàn thành (dấu hiệu giá quay đầu tăng tại đáy 2) → cơ hội để vào lệnh Buy.
Ví dụ:
Mô hình Bearish Quasimodo xuất hiện sau một xu hướng tăng dài trước đó, khi giá phá vỡ cấu trúc xu hướng bằng một đáy mới thấp hơn.
Trước khi đáy 2 hình thành, trên chỉ báo RSI xuất hiện sự phân kỳ, cho biết lực xu hướng tăng đang yếu dần. Và khi mô hình Bearish Quasimodo xuất hiện thì khả năng thị trường đảo chiều giảm càng được củng cố hơn.
Nhiệm vụ của chúng ta là chờ cho giá có dấu hiệu quay đầu giảm tại vai phải (đỉnh 3) thì sẽ vào lệnh Sell. Đặt stop loss phía trên đỉnh 2.
Trong tình huống này, sau khi giá giảm được một thời gian như kỳ vọng thì RSI lại xuất hiện sự hội tụ với giá, dự báo khả năng sẽ có một đợt tăng giá trở lại. Mà mức giá lúc này cũng đang gần với mức giá tại đáy 2 (mức lợi nhuận mục tiêu của mô hình), do đó, để hạn chế rủi ro, chúng ta sẽ đóng lệnh chốt lời tại vị trí này.
Chiến lược giao dịch với Quasimodo kết hợp SMA
Với tín hiệu giao cắt giữa các đường MA để xác định xu hướng thì các bạn có thể sử dụng SMA hay EMA đều được cả, quan trọng là sử dụng như thế nào mà thôi.
Trong xác định xu hướng với 2 đường SMA, chúng ta cần một đường SMA chu kỳ dài hơn (đường SMA chậm) và một đường với chu kỳ ngắn hơn (đường SMA nhanh).
- Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh, phần lớn đường SMA nhanh sẽ nằm phía trên đường SMA chậm. Khi SMA nhanh cắt SMA chậm từ trên xuống → dấu hiệu thị trường đảo chiều giảm.
- Nếu thị trường đang trong xu hướng giảm mạnh, phần lớn đường SMA nhanh sẽ nằm phía dưới đường SMA chậm. Khi SMA nhanh cắt SMA chậm từ dưới lên → dấu hiệu thị trường đảo chiều tăng.
Ý tưởng của chiến lược như sau:
SMA là chỉ báo có độ trễ cao, dó đó, giá sẽ phản ứng được một thời gian thì tín hiệu từ SMA mới xuất hiện.
Trong mô hình Bearish Quasimodo, đường SMA nhanh thường sẽ cắt SMA chậm từ trên xuống sau khi đỉnh thứ 2 được hình thành, thì khả năng là thị trường đã chính thức đảo chiều giảm từ đỉnh 2. Nhiệm vụ của chúng ta là chờ cho mô hình Bearish Quasimodo xuất hiện để củng cố tín hiệu đảo chiều và vào lệnh Sell.
Ngược lại, trong mô hình Bullish Quasimodo, đường SMA nhanh thường sẽ cắt SMA chậm từ dưới lên sau khi đáy 2 được hình thành, thì khả năng là thị trường đã chính thức đảo chiều tăng từ đáy 2. Lúc này, chờ cho mô hình Bullish Quasimodo xuất hiện để củng cố tín hiệu đảo chiều và vào lệnh Buy.
Cách thực hiện chiến lược như sau:
- Mô hình Bearish Quasimodo, nếu tín hiệu giao cắt giữa 2 đường SMA xuất hiện trước khi đáy 2 hình thành thì phải chờ cho vai phải (đỉnh 3) của mô hình xuất hiện thì mới vào lệnh. Nếu tín hiệu giao cắt xuất hiện sau khi đáy 2 hình thành thì vào lệnh Sell ngay khi sự giao cắt xảy ra.
- Mô hình Bullish Quasimodo, nếu tín hiệu giao cắt giữa 2 đường SMA xuất hiện trước khi đỉnh 2 hình thành thì phải chờ cho vai phải (đáy 3) của mô hình xuất hiện thì mới vào lệnh. Nếu tín hiệu giao cắt xuất hiện sau khi đỉnh 2 hình thành thì vào lệnh Buy ngay khi sự giao cắt xảy ra.
Ví dụ:
Sử dụng SMA9 và SMA21 làm 2 đường MA nhanh và chậm. Các bạn có thể chọn những chu kỳ khác, không bắt buộc phải là 9 và 21, có thể là 10 và 20 chẳng hạn, quan trọng là cách sử dụng như thế nào. Và trong chiến lược này, chúng ta nên lựa chọn những chu kỳ ngắn như thế để tín hiệu tạo ra không có độ trễ quá cao. Vì bản thân mô hình Quasimodo đã cung cấp tín hiệu mạnh mẽ, việc sử dụng các đường MA chỉ là xác nhận lại tín hiệu của mô hình, nên nếu độ trễ quá lớn sẽ giảm thiểu lợi nhuận tiềm năng của giao dịch.
Ở trường hợp này, mô hình Bullish Quasimodo được hình thành khá rõ ràng, xu hướng giảm phía trước có cấu trúc đẹp, giá liên tục tạo các đỉnh mới thấp hơn, đáy mới thấp hơn. Khi giá tạo đỉnh mới cao hơn thì cấu trúc xu hướng bị phá vỡ.
Trước khi hình thành đỉnh 2 của mô hình, phần lớn đường SMA9 đang nằm dưới đường SMA21. Sau khi đỉnh 2 hình thành 🡪 mô hình Bullish Quasimodo bắt đầu xuất hiện thì đường SMA9 cũng cắt đường SMA21 từ dưới lên, chúng ta có thể vào lệnh ngay khi sự giao cắt xảy ra.
Đặt stop loss ngay phía dưới đáy 2 của mô hình. Mô hình Quasimodo trong trường hợp này có biên độ hẹp, do đó, nếu lựa chọn mức lợi nhuận mục tiêu tại đỉnh thứ 2 thì tỷ lệ R:R không tốt, mặt khác, sau khi giá tăng lên như kỳ vọng, thị trường xuất hiện liên tiếp các cây nến xanh thân lớn, là dấu hiệu để giá tiếp tục tăng mạnh mẽ. Cho đến khi mô hình nến đảo chiều giảm Bearish Piercing xuất hiện thì chúng ta có thể chốt lời khi cây nến đỏ thứ hai của mô hình đóng cửa.
Chiến lược giao dịch với Quasimodo kết hợp mô hình nến đảo chiều.
Đây là chiến lược giao dịch mà các bạn chỉ phân tích hành động giá và không cần dùng đến bất kỳ một indicators nào. Mô hình nến đảo chiều là công cụ giao dịch cực kỳ mạnh mẽ của trường phái phân tích price action, cùng với các mô hình giá. Do đó, giao dịch với mô hình Quasimodo kết hợp mô hình nến đảo chiều không chỉ giúp gia tăng xác suất thành công của lệnh mà còn làm đơn giản hóa quá trình phân tích.
Cách giao dịch như sau:
- Khi mô hình Bearish Quasimodo xuất hiện, trong quá trình giá hoàn thành đỉnh thứ 3 (vai phải), nếu mô hình nến đảo chiều giảm xuất hiện → khả năng đỉnh 3 hoàn thành, vào lệnh Sell khi cây nến cuối cùng của mô hình đóng cửa.
- Khi mô hình Bullish Quasimodo xuất hiện, trong quá trình giá hoàn thành đáy thứ 3 (vai phải), nếu mô hình nến đảo chiều tăng xuất hiện → khả năng đáy 3 hoàn thành, vào lệnh Buy khi cây nến cuối cùng của mô hình đóng cửa.
Ví dụ:
Sau khi giá tạo đáy 2 thấp hơn đáy 1, mô hình Bearish Quasimodo bắt đầu xuất hiện, chờ cho giá quay đầu tăng để tạo vai phải (đỉnh 3) của mô hình.
Khi giá tăng lên gần đến vị trí của vai trái thì mô hình đảo chiều giảm Sao Hôm xuất hiện, tín hiệu vai phải đã hoàn thành, giá sẽ đảo chiều giảm tại đây. Vào lệnh Sell khi cây nến thứ 3 của mô hình Sao Hôm đóng cửa. Đặt stop loss ngay phía trên đỉnh 2.
Mô hình này có lợi nhuận mục tiêu cũng khá tốt, tỷ lệ R:R hợp lý, các bạn có thể đóng lệnh ngay khi giá chạm vào mức giá của đáy 2. Hoặc, nếu tiếp tục giữ lệnh, thì sau đó, mô hình đảo chiều tăng Bullish Engulfing xuất hiện, chúng ta có thể đóng lệnh khi mô hình này hoàn thành.
Kết luận
Mặc dù còn khá lạ lẫm nhưng mô hình Quasimodo trên thực tế mang lại hiệu quả giao dịch cực kỳ cao và rất được lòng các trader chuyên nghiệp. Nếu bạn đang theo đuổi trường phái phân tích hành động giá thì nên bỏ túi ngay mô hình này.
Và hy vọng rằng, với những gì mà kienthucforex đã chia sẻ trong bài viết này, các bạn sẽ nắm rõ hơn về ý nghĩa cũng như cách giao dịch với Quasimodo pattern. Các chiến lược được giới thiệu có thể sẽ không hiệu quả trong mọi điều kiện và biến động giá trên thị trường thực nhưng sẽ phần nào giúp các bạn định hướng tốt hơn về cách giao dịch hiệu quả nhất với mô hình giá này.