Mô hình 2 đỉnh, 2 đáy có lẽ là dạng mô hình dễ dãi nhất trong số các mô hình giá cơ bản. Mặc dù chúng xuất hiện với tần suất dày đặc trên biểu đồ nhưng điều đó không có nghĩa là mô hình 2 đỉnh, mô hình 2 đáy lại không hiệu quả. Trader vẫn hoàn toàn có thể kiếm được tiền nếu hiểu rõ về 2 dạng mô hình giá này. Hãy cùng kienthucforex tìm hiểu mô hình 2 đỉnh và mô hình 2 đáy thông qua bài viết sau đây các bạn nhé.
Phần I: Mô hình 2 đỉnh
Mô hình 2 đỉnh là gì?
Mô hình hai đỉnh hay Double Top là mô hình đảo chiều xuất hiện ở cuối xu hướng tăng để báo hiệu 1 cuộc chuyển đổi của giá cả từ tăng sang giảm.
Đặc điểm của mô hình 2 đỉnh
Các thành phần để tạo ra món ăn mang tên hai đỉnh cho trader “chén” sẽ bao gồm:
- Xu hướng tăng được hình thành trước đó
- Hai cái đỉnh (tất nhiên rồi)
- Đường Neckline
Như vậy khi biểu đồ giá trộn 3 nguyên liệu chính, như tôi vừa kể trên, vào với nhau rồi mang ra đĩa trình bày cho trader xem thì trông chúng sẽ giống như 1 chữ M.
Khi đạt đỉnh thứ 1, giá có xu hướng đảo chiều, tại vùng đảo chiều này sẽ hình thành đáy trung tâm. Nhưng giá không tiếp tục lao xuống mà quay trở về xu hướng tăng trước đó và tạo thành đỉnh thứ hai. Hai đỉnh kết hợp với đáy trung tâm cùng với việc giá phá vỡ đường Neckline, lúc này mô hình 2 đỉnh coi như đã hình thành.
Điều gì khiến mô hình 2 đỉnh hình thành?
Như nói trước đó, mô hình 2 đỉnh là mô hình đảo chiều nên để hình thành thì xu hướng trước đó sẽ phải là 1 xu hướng tăng. Khi giá tạo ra 1 nửa của chữ M đầu tiên, tức đỉnh thứ nhất, đã không đủ sức đẩy giá lên cao hơn nữa. Nên thay vì có thể tiếp tục tạo đỉnh cao hơn thì giá lại lao xuống.
Nhưng có vẻ như phe áp đảo phía trước là phe Buy khi đang toan tính muốn “lên nóc nhà bắt con gà”. bằng cách muốn đẩy giá lên cao hơn nữa, nhưng lại bất thành. Và sau đó là 1 đà giảm nên cảm thấy rất “nóng máu” đã quyết ăn thua với phe Sell tìm mọi cách để đẩy giá lên.
Vì lẽ đó, sau 1 đà giảm tạo ra 1 đáy trung tâm, phe buy đã tìm cách đẩy giá lên nhưng vì đã yếu mà lại cứ thích ra gió nên thay vì tạo ra 1 đỉnh cao hơn so với đỉnh thứ nhất thì phe mua lại không thể, nên đã tạo ra đỉnh thứ 2 chỉ ngang bằng với đỉnh số 1.
Và tiếp theo là, không có cái tiếp theo nào nữa cho phe Buy, bởi đã bị Phe Sell úp sọt nên cuối cùng giá đã giảm, điều này càng được khẳng định nếu như giá phá vỡ đường neckline.
Nhìn lại mô hình phía trên bạn có thể thấy, giá rất muốn phá vỡ đỉnh 1 nên sau khi giảm, chúng tiếp tục quay lên để test lại mức kháng cự. Tại mức kháng cự này sẽ có hai khả năng xảy ra: nếu kháng cự bị phá vỡ, đồng nghĩa sẽ tạo lập 1 đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ. Tuy nhiên, nếu việc này bị thất bại, đỉnh cũ không bị phá hay đường kháng cự không bị xuyên thủng lập tức 1 đỉnh có chiều cao tương đương với đỉnh thứ 1 được hình thành, từ đây mô hình hai đáy sẽ xuất hiện, báo hiệu 1 xu hướng giảm giá chuẩn bị được diễn ra.
Lớp học forex
Thế nào là 1 mô hình 2 đỉnh đẹp?
Vì mô hình 2 đỉnh là mô hình, như tôi có nói, xuất hiện với 1 tần suất dày đặc trên biểu đồ giao dịch. Và thực sự không ngoa khi nói rằng không chỉ mô hình 2 đỉnh mà ngay cả mô hình 2 đáy đều là những dạng mô hình dễ dãi nhất vịnh Bắc Bộ.
Nên nếu không để ý kỹ lưỡng bạn sẽ rất dễ gặp phải dạng mô hình “fake”.
Vậy các tiêu chí như thế nào để đánh giá mô hình 2 đỉnh đẹp?
- Đầu tiên cần phải có 1 xu hướng rõ ràng trước đó, với mô hình 2 đỉnh xu hướng trước đó phải là xu hướng tăng:
Giá liên tiếp tạo đỉnh và đáy cao hơn, tới 1 khoảng nào đó khi không thể tiếp tục đà tăng, sẽ bắt đầu tạo ra đỉnh ngang bằng với đỉnh trước đó. Lúc này có thể xem như là mô hình 2 đỉnh được hình thành.
Sở dĩ như vậy, bởi mô hình 2 đỉnh thuộc dạng mô hình đảo chiều, nên nếu trước đó không có xu hướng, thì không thể khẳng đỉnh mô hình 2 đỉnh được hình thành.
Các bạn sẽ nhìn thấy vô số các loại 2 chóp, 2 đỉnh đồi nhưng những dạng này không được xem là mô hình 2 đỉnh vì không có xu hướng, hoặc xu hướng trước đó ngược với mô hình:
Nhìn vào hình ảnh trên, các bạn sẽ thấy giá đang ở trong trạng thái tích luỹ đi ngang. Xu hướng phía trước thực sự không hề rõ ràng, nên dù nhìn thoáng qua bạn sẽ nghĩ đây là mô hình 2 đỉnh, nhưng giá đâu có đảo chiều thay vì giảm lại tăng.
- Phải phá vỡ đường viền cổ neckline
Các bạn có thể thấy ở phần cấu tạo tôi đã nói cần phải có đường viền cổ neckline và nến phải đóng cửa nằm dưới đường viền cổ. Nhưng như bạn thấy ở đây, sau khi giá đi xuống chuẩn bị phá vỡ đường viền cổ, thì lại quay ngoắt 360 độ đảo chiều đi lên. Và ngay tại khúc này cũng xuất hiện 1 cây doji, nên việc giá không thể phá vỡ qua đường neckline như tôi kẻ phía trên là điều khá hợp lý.
- Thời gian hình thành mô hình 2 đỉnh
Với khung D, thời gian hình thành khoảng cách giữa 2 đỉnh phải từ 3 tuần cho đến 4 tuần, mới được xem là 1 mô hình 2 đỉnh “đẹp”.
Đấy là lý thuyết, giờ mình sẽ minh chứng về lý thuyết cho các bạn hiểu. Còn trong rất nhiều trường hợp mô hình 2 đỉnh dù bị chín ép nhưng vẫn giảm khá sâu.
Như hình này bạn thấy được, sau 1 đà tăng dài và đã hình thành 2 cái chóp, nhưng giá không hề giảm mà vẫn tiếp tục tăng, bằng chứng là giá không phá vỡ đường viền cổ neckline, ngoài ra cũng do mô hình được hình thành trong thời gian ngắn nên cũng không thể bị phá vỡ. Do đó, mô hình được xem như là chưa hoàn thành, hay mô hình đã bị fail.
Hoặc như ở ví dụ trên các bạn thấy, giá dù phá vỡ nhưng cũng không giảm 1 cách chuẩn chỉnh, thay vào đò lòng vòng lên phía trên rồi giảm, nhưng đó lại chỉ như là 1 cái đà để thúc đẩy giá tiếp tục tăng.
Hướng dẫn giao dịch với mô hình 2 đỉnh
Một số nguyên tắc cụ thể khi giao dịch với mô hình 2 đỉnh là:
Có thể giao dịch theo 2 hướng gồm:
1. Giao dịch ngay khi giá phá vỡ đường viền cổ neckline
2. Chờ giá re-test lại mới tiến hành vào lệnh
Về mặt lý thuyết, cách thứ 2 sẽ an toàn và hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên cách thứ nhất sẽ khiến bạn vào lệnh sớm hơn, đồng nghĩa sẽ chốt lời được nhiều hơn.
Nhưng ngay cả ví dụ bên dưới này, khi mà giá re-test lại giá cũng không tiếp tục giảm, thay vào đó đã đảo chiều tăng lên. Nên chọn cách nào tuỳ các bạn!
Ngoài ra, giao dịch theo khung nào, chốt lời theo khung đó, chốt lời kỳ vọng có thể bằng từ đỉnh tới đường viền cổ neckline.
Điểm cắt lỗ sẽ nằm trên đỉnh 1 vài pip (điều này sẽ áp dụng cho cả 2 hướng giao dịch kể trên).
- Phần 1: Giao dịch ngay khi giá phá vờ đường viền cổ neckline
Nói chung cách này ăn thì ăn cũng được nhiều mà rủi ro đi kèm cũng rất cao, 1 là vì mô hình này không quá đáng tin. Không kể trong nhiều trường hợp kể cả mô hình đã đi theo đúng đầy đủ kết cấu, có retest lại đường viền cổ nhưng việc vẫn bị cắt lỗ là điều hoàn toàn xảy ra.
Như ví dụ trên đây là cậu Vàng thân yêu của rất nhiều trader. Sau khi tạo ra xu hướng tăng trước đó, vàng đã tiếp tục được đẩy lên cao tạo đỉnh đầu tiên, rồi tạo đáy trung tâm, tạo đỉnh thứ 2. Ngay khi giá phá vỡ đường neckline như bên dưới:
Bạn đặt điểm Sell ngay tại đây bạn có thể “ăn” được 130 giá, 1300 pip. Nên mọi thứ chỉ mang tính tương đối, khi thấy mô hình được hình thành, cần xác định rõ xu hướng rõ ràng, cùng với việc hình thành 1 cây nến giảm mạnh đỏ chót. Không kể đây còn là vùng hỗ trợ, nên khi giá phá vỡ, hỗ trợ biến thành kháng cự, sẽ củng cố niềm tiên để tiếp sức trader đặt lệnh Sell tại đây.
Hỗ trợ và kháng cự là gì? Cách xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự hiệu quả nhất
Và thực tế là không phải trường hợp nào khi giá backtest bạn mới vào lệnh, thì bạn sẽ ăn đậm hơn so với việc lúc giá chỉ mới phá qua đường viền cổ.
Hình ảnh cậu vàng phía trên là mình chứng rõ nhất cho vấn đề này, nếu chờ giá re-test rồi mới vào lệnh, bạn còn không thể chốt lời nhiều bằng ngay lúc giá phá vỡ đường neckline. Vì thế, cứ “liệu cơm gắp mắm” các bạn nhé!
Hãy thật kiên nhẫn chờ nến đóng, nằm dưới đường viền cổ neckline, mới tiến hành vào lệnh, bạn nhé!
Phần II: Giao dịch khi giá Re-test lại đường viền cổ neckline
Ví dụ tôi vừa mới đưa ra cho thấy, sau khi mô hình 2 đỉnh hình thành, giá phá vỡ đường neckline giảm mạnh. Sau đó, giá re-test lên lại đường neckline, và khi không trụ vững giá đã tiếp tục giảm. Nếu bạn suy đoán được đây là mô hình 2 đỉnh, bạn có thể “ăn” được cả 2 vòng:
- Giao dịch vòng 1 với việc giá chưa re-test có thể take profit như cách tôi hướng dẫn phía trên.
- Giao dịch vòng 2: Sau đó, chờ giá re-test bạn lại tiếp tục sell, với tư duy cho rằng đây vẫn là mô hình 2 đỉnh, thì bạn sẽ kiếm được lời cho cả 2 vòng. Cũng không tệ, đúng không?
Ngoài ra, nếu bạn thấy mô hình này hình thành khung nào nên chốt lời khung đó ví dụ như ở khung H4 sẽ không thể nào ăn đậm như khung D1 được.
Hoặc trong trường hợp, giá dù có re-test lại nhưng vẫn không thể nào bằng so với việc mô hình hình thành ở khung D, hoặc khung W.
EURCAD đã giảm cực mạnh tại khung D
Ngoài ra, các bạn cũng lưu ý vấn đề cắt lỗ:
Như hình ảnh ở trên cũng là mô hình 2 đỉnh, giá đã re-test lên không phải ở đường viền cổ neckline mà có khi lên tận gần tới đỉnh thứ 2. Vì thế, bạn bắt buộc phải đặt cắt lỗ cách đỉnh 1 vài pip nằm trên 2 vòng tròn tôi khoanh tròn. Như vậy mới đảm bảo không bị quét, nếu như bạn vẫn kiên gan giữ lệnh.
Ngoài ra, phần giá đi lên cũng là đang re-test lại chính đường trendline tôi kẻ màu xanh, khi giá thất bại thì mới bắt đầu giảm mạnh.
Phần II: Mô hình giá Hai đáy – Double Bottom
Mô hình 2 đáy (Double Bottom) là gì?
Mô hình hai đáy (Double Bottom) hay mô hình 2 cái mông, là mô hình đảo chiều xuất hiện ở cuối xu hướng giảm để báo hiệu 1 cuộc chuyển đổi của giá cả từ giảm sang tăng.
Đặc điểm của mô hình 2 đáy
Tương tự như mô hình 2 đỉnh, mô hình 2 đáy cũng được cấu tạo từ 3 phần gồm:
- Xu hướng giảm
- 2 cái đáy
- Và đường Neckline
Và khi mô hình 2 đáy được hình thành sẽ giống chữ W.
Khi đạt đáy thứ 1, giá có xu hướng đảo chiều, tại vùng đảo chiều này sẽ hình thành 1 đỉnh trung tâm. Nhưng giá không tiếp tục tăng mà quay trở về xu hướng giảm trước đó và tạo thành đáy thứ hai có chiều cao xấp xỉ với đáy thứ nhất tại đây khi giá không tạo ra đáy thấp hơn, giá sẽ bắt đầu mon men tiến dần lên, và khi chúng phá vỡ khỏi đường neckline thì Mình xin thông báo với các bạn 1 điều rằng mô hình 2 mông đã được hình thành rồi đó.
Điều gì khiến mô hình 2 đáy được hình thành?
Nếu diễn giải theo mấy câu chuyện ngôn tình hiện nay thì câu chuyện để hình thành mô hình 2 đỉnh là 1 câu chuyện buồn, vì giá đã đi vào lòng đất.
Trong khi đó với mô hình 2 đáy thì đấy sẽ là 1 “happy ending” khi mà 2 bờ mông đã được ở bên nhau tới suốt đời nhờ vào việc giá đã tăng trở lại.
Nói xàm thì là vậy, còn việc mô hình được hình thành là cách để trader kiếm cơm, nên giá có lên sao hoả hay xuống 18 tầng địa ngục, thì trader sẽ chỉ phát sốt phát rét lên nếu đánh ngược sóng.
Quay trở lại với việc tâm lý giá của mô hình 2 đáy, giá sau khi giảm tạo ra đáy đầu tiên, phe áp đảo ở đây là phe Selll nhưng do ko thể tiếp tục tạo ra đáy thấp hơn nữa, nên thay vì tạo 1 đáy tiếp theo thấp hơn thì phe Buy lại lên cướp cờ nên tạo ra 1 đỉnh trung tâm.
Tuy nhiên, vì lực không đủ mạnh nên ngay khi thấy phe Buy cướp cờ tạo đỉnh như vậy, phe sell đã nóng máu quyết tâm dìm phe buy xuống bùn, chính vì thế mà đáy thứ 2 đã được hình thành. Nhưng phe Sell không đủ sức để đẩy giá thấp hơn bằng việc tạo các đỉnh thấp hơn, và khi đáy thứ 2 này xuất hiện trong nhiều trường hợp phe Buy mạnh hơn sẽ tìm mọi cách kéo phe sell xuống, tâm lý này sẽ được hiển thị thông qua các cây nến đảo chiều dạng như doji.
Và ngay sau đó, phe Buy đã bẻ lái để đẩy giá lên cao hơn, nếu lúc này giá phá vỡ được đường Neckline thì coi như phe buy đã cách mạng thành công xu hướng đảo chiều được thiết lập chuyển từ giảm sang tăng.
Thế nào là một mô hình 2 đáy đẹp?
Tương tự như mô hình 2 đỉnh, mô hình 2 đáy được xem là đẹp cũng cần phải có 1 xu hướng rõ ràng trước đó, ở đây là xu hướng giảm, thời gian hình thành sẽ kéo dài từ 3 đến 4 tuần và đặc biệt là phải phá vỡ đường viền cổ neckline:
Như ở ví dụ bên dưới, các bạn có thể nghĩ rằng đây là mô hình 2 đáy, nhưng sau khi giá phá vỡ qua đường màu xanh tôi kẻ, giá đã giảm 1 cách kinh khủng.
Nên nếu phía trước không có xu hướng rõ ràng, ở đây là xu hướng GIẢM, thì sẽ không thể nào xem đó là mô hình 2 đáy được.
Hoặc như ví dụ bên dưới, xu hướng trước đó là 1 xu hướng tăng mà lẽ ra với mô hình 2 đáy nó phải là 1 xu hướng giảm, nên dù nhìn ra mấy bờ mông cong cong tròn nhưng đây vẫn không phải là mô hình 2 đáy các bạn nhé:
Hướng dẫn giao dịch mô hình 2 đáy
Đối với mô hình 2 đáy, cách thức giao dịch tương tự như mô hình 2 đỉnh, tức sẽ giao dịch theo 2 hướng:
Giao dịch ngay khi giá phá vỡ đường viền cổ neckline
Chờ giá re-test đường viền cổ, rồi mới tiến hành vào lệnh
Ngoài ra, điều QUAN TRỌNG nhất vẫn là phải XÁC ĐỊNH XU HƯỚNG.
Cắt lỗ: cách đáy thứ 2 một vài pip tránh trường hợp bị quét.
Chốt lời: đo khoảng cách từ đáy lên tới đường viền cổ neckline, sau đó sẽ gióng từ điểm giá phá vỡ neckline lên 1 khoảng tương ứng, như ví dụ minh hoạ bên dưới:
Bây giờ hãy cùng quan sát ví dụ sau để hiểu rõ hơn về cách thức giao dịch với mô hình 2 đáy các bạn nhé:
Ở ví dụ này, đáy 1 và đáy 2 thực sự không cân bằng, hơi chênh lệch nhau, tuy nhiên vẫn có thể chấp nhận được. Giá sau khi phá vỡ khỏi đường neckline, đi một mạch rất xa, mà không hề re-test.
Và lúc giá điều chỉnh giảm, re-test lại đường viền cổ thì thay vì tăng tiếp, đã đảo chiều giảm. Chính vì thế, hãy luôn đặt cắt lỗ trong bất kỳ trường hợp nào.
Ở ví dụ này, các bạn có thể thấy GBPCAD đã hình thành 1 mô hình 2 đáy bị “chín ép”. Sau 1 xu hướng giảm cực mạnh, tạo được đáy thứ nhất, rồi tiếp tục tạo đỉnh trung tâm, rồi tạo đáy thứ 2. Và 2 đáy này có kích cỡ không bằng nhau, hơi lệch lạc, xấu xí.
Tuy nhiên, khi giá phá vỡ qua đường neckline, giá đã có 1 đà tăng vô cùng mạnh.
Một số thắc mắc về mô hình 2 đỉnh, mô hình 2 đáy
Mô hình 2 đỉnh, 2 đáy là mô hình tiếp diễn hay mô hình đảo chiều?
Là mô hình ĐẢO CHIỀU.
Nên chốt lời mô hình 2 đỉnh, 2 đáy như thế nào cho hợp lý?
Mô hình 2 đỉnh, 2 đáy là dạng mô hình dễ dãi, xuất hiện rất nhiều trong biểu đồ nến Nhật, nên sẽ khó lòng đạt được kỳ vọng hay đi xa như các dạng mô hình khác. Vì thế giao dịch khung nào chốt lời theo khung đó.
Nên vào lệnh khi giá phá vỡ neckline hay chờ giá re-test lại đường viền cổ neckline?
Vì dạng mô hình 2 đỉnh, 2 đáy rất dễ bị phá vỡ, nên nếu muốn giao dịch sớm thì chờ giá phá vỡ đường viền cổ rồi “khật” luôn! Còn muốn “ăn chắc mặc bền” thì chờ giá re-test mới tiến hành vào lệnh.