Bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sử dụng độc lập một chỉ báo nào đó để giao dịch chưa? Trong hầu hết tất cả các bài viết về indicators trên kienthucforex.com, nếu để ý kỹ, các bạn sẽ thấy rằng chúng tôi luôn khuyên các bạn nên kết hợp các indicators lại với nhau, hoặc sử dụng thêm những công cụ, phương pháp khác khi giao dịch với indicators vì đa số chúng không thể tự tạo thành một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh.
Nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại một indicators có khả năng làm được điều đó, tự bản thân nó có thể hoạt động như một hệ thống giao dịch độc lập và gần như hoàn chỉnh. Và đó chính là Ichimoku, một indicators rất nổi tiếng.
Ichimoku là gì? Lịch sử hình thành của mây Ichimoku.
Ichimoku là gì?
Ichimoku là tên gọi ngắn gọn của chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo (Biểu đồ cân bằng trong nháy mắt). Ichimoku bao gồm 5 thành phần, 2 trong số 5 thành phần đó tạo thành một bộ phận có hình dáng giống đám mây nên các trader vẫn hay gọi chỉ báo này là Ichimoku Cloud hay Mây Ichimoku.
Trong phân tích kỹ thuật, Ichimoku hoạt động tốt nhất với vai trò là một indicators xác định xu hướng vì đa số các thành phần của chỉ báo này được tính toán bởi các công thức trung bình cộng. Và bạn biết đấy, chỉ báo đơn giản Moving Average (MA) nổi tiếng trong việc xác định xu hướng của thị trường.
Bên cạnh xác định xu hướng tốt, Ichimoku còn có thể phát huy tác dụng trong việc thể hiện các mức hỗ trợ, kháng cự, động lượng của xu hướng và cung cấp tín hiệu vào/ra lệnh chính xác. Chính vì lý do đó mà Ichimoku được xem là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh, các bạn không cần phải sử dụng thêm bất kỳ một công cụ nào khác.
Lịch sử hình thành của chỉ báo Ichimoku
Người đã tạo ra hệ thống giao dịch Ichimoku này chính là một nhà báo người Nhật Bản, ông Goichi Hosoda. Ông có một niềm đam mê vô cùng lớn với biểu đồ nến Nhật từ khi còn rất bé. Với sự nỗ lực không ngừng, ông đã trở thành Tổng giám đốc của tờ báo Miyako (nay là tờ Tokyo), tờ báo kinh tế – tài chính lớn nhất Nhật Bản thời bấy giờ.
Sau khi thành lập trung tâm nghiên cứu biểu đồ riêng cho mình, ông quyết tâm tạo ra một chỉ báo “tất cả trong một” với mong muốn rằng chỉ báo đó có thể xác định xu hướng thị trường một cách sâu sắc hơn trong thời gian ngắn hơn. Ý tưởng của ông là sử dụng các đường trung bình trên biểu đồ nến Nhật để tìm ra một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh nhất. Ông cùng với cộng sự của mình là một nhóm sinh viên đã ngày đêm backtest hàng ngàn công thức khác nhau. Và kết quả là sau 4 năm, chính xác là vào năm 1935, họ đã tạo ra một hệ thống giao dịch Ichimoku mà chúng ta vẫn đang sử dụng như ngày nay. Nhưng mãi đến năm 1969, Hosoda mới quyết định chia sẻ chỉ báo này với công chúng bằng việc đưa nó vào sách và phát hành ra bên ngoài.
Với tính linh hoạt của mình, Ichimoku nhanh chóng trở thành chỉ báo được sử dụng tại hầu hết các phòng giao dịch Nhật Bản thời bấy giờ và ngày nay, nó cũng trở thành hệ thống giao dịch yêu thích của rất nhiều trader chuyên nghiệp trên nhiều thị trường tài chính khác nhau như chứng khoán, forex, tiền điện tử…
Hướng dẫn cài đặt chỉ báo Ichimoku trên MT4 và Tradingview
- Hướng dẫn cài đặt Ichimoku trên MT4
Chỉ báo Ichimoku được tích hợp sẵn trên hầu hết tất cả các phần mềm giao dịch forex, và tất nhiên là kể cả nền tảng MT4 nổi tiếng.
Tham khảo: MT4 là gì? Hướng dẫn sử dụng phần mềm MT4 chi tiết nhất.
Để mở chỉ báo Ichimoku, các bạn làm theo đường dẫn sau:
Hoặc: Insert >>> Indicators>>> Trend>>>> Ichimoku Kinko Hyo:
Ở tab Parameters, hệ thống đã cài đặt sẵn các thông số của chỉ báo, nếu phần mềm giao dịch hiện tại của các bạn cài đặt những thông số khác thì các bạn có thể thay đổi giống với các thông số như hình dưới:
Tại tab Colors, các bạn tiến hành lựa chọn màu sắc cho chỉ báo. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lựa chọn màu sắc như hình trên và sẽ giữ nguyên trong suốt bài viết để các bạn tiện theo dõi.
Lưu ý: Up Kumo và Down Kumo chính là 2 thành phần Senkou-Span A và Senkou-Span B của chỉ báo Ichimoku.
2. Hướng dẫn cài đặt Ichimoku trên Tradingview
Với Tradingview các bạn có thể làm theo hướng dẫn sau:
Các thành phần của hệ thống giao dịch Ichimoku và cách nhận biết xu hướng
Kijun-Sen (Base Line) – Đường Cơ sở
Đường Kijun-Sen trên hình là đường màu đỏ, Kijun-Sen còn có tên gọi khác là đường Xu hướng.
Công thức: Kijun-Sen = (High + Low) / 2, Chu kỳ 26
Mỗi giá trị Kijun-Sen được tính bằng cách lấy trung bình cộng giản đơn của giá cao nhất (High) và giá thấp nhất (Low) của 26 phiên giao dịch trước đó, tính cả phiên giao dịch hiện tại.
Cách tính có phần khác biệt so với các đường MA nhưng Kijun-Sen vẫn được sử dụng như một đường MA dài hạn, và tất nhiên, các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ tạo ra từ Kijun-Sen sẽ bền vững hơn so với những thành phần còn lại trong hệ thống giao dịch Ichimoku.
Bị lệ thuộc bởi High và Low trong một chu kỳ 26 phiên, nên giá trị của Kijun-Sen chỉ thay đổi khi giá vượt ra khỏi phạm vi cao nhất và thấp nhất. Nếu trong những chu kỳ tiếp theo đó, giá vẫn dịch chuyển bên trong phạm vi giữa High và Low cũ mà không hình thành High hoặc/và Low mới thì giá trị Kijun-Sen không đổi, đường Kijun-Sen đi ngang, thị trường đang trong xu hướng sideway.
Nhận biết xu hướng:
- Giá nằm trên Kijun-Sen, thị trường đang trong xu hướng tăng
- Giá nằm dưới Kijun-Sen, thị trường đang trong xu hướng giảm
Kijun-Sen càng dốc thì lực của xu hướng càng mạnh. Mang tính chất của đường MA chậm nên các tín hiệu nhận được bị trễ hơn so với đường đi của giá.
Tenkan-Sen (Conversion Line) – Đường Chuyển đổi
Đường Tenkan-Sen là đường màu xanh lục trên hình, còn được gọi là đường Tín hiệu.
Công thức: Tenkan-Sen = (High + Low) / 2, Chu kỳ 9
Tương tự với cách tính của Kijun-Sen, nhưng thay vì chu kỳ 26 thì đường Tenkan-Sen được tính với chu kỳ ngắn hơn, 9.
Được sử dụng chu kỳ ngắn hơn, Tenkan-Sen phản ứng nhanh hơn và bám sát đường giá hơn so với Kijun-Sen. Do đó, trong hệ thống giao dịch Ichimoku, Tenkan-Sen đóng vai trò như môt đường MA ngắn hạn. Sự giao cắt giữa đường MA nhanh (Tenkan-Sen) và MA chậm (Kijun-Sen) tạo ra tín hiệu giao dịch hiệu quả, giúp trader xác định thời điểm vào lệnh hợp lý trong hệ thống Ichimoku này.
Nhận biết xu hướng:
- Giá nằm trên Tenkan-Sen: thị trường đang trong xu hướng tăng
- Giá nằm dưới Tenkan-Sen: thị trường đang trong xu hướng giảm
Chikou-Span (Lagging Span) – Đường trễ
Chikou-Span chính là thành phần màu xanh lá chuối trên hình.
Công thức: Chikou-Span = Close (phiên hiện tại), lùi về trước 26 phiên
Các giá trị của đường Chikou-Span chính là giá đóng cửa (Close) của phiên giao dịch hiện tại, vẽ lùi về trước (quá khứ) 26 phiên.
Như có nhắc đến ở phần giới thiệu, Ichimoku có thể xác định động lực của xu hướng thì Chikou-Span chính là thành phần thực hiện chức năng này. Khoảng cách từ Chikou-Span đến đường giá sẽ thể hiện cường độ lực của xu hướng hiện tại so với thời điểm cách đó 26 phiên. 26 là một con số khá quan trọng trong tài chính vì nếu xét ở khung thời gian D1 thì khoảng thời gian 26 ngày chính là độ dài của một tháng. Chikou-Span nằm trên đường giá và cách xa đường giá cho thấy thị trường đang trong xu hướng tăng, giá lập đỉnh mới so với tháng trước và cường độ xu hướng tăng là mạnh.
Nhận biết xu hướng:
- Chikou-Span nằm trên đường giá: xu hướng tăng. Chikou-Span càng xa đường giá thì lực tăng của xu hướng càng mạnh.
- Chikou-Span nằm dưới đường giá: xu hướng giảm. Tương tự, Chikou-Span càng xa đường giá thì lực giảm của xu hướng càng mạnh.
- Chikou-Span đi dọc theo đường giá, sát với đường giá: xu hướng sideway.
Senkou-Span A (Leading Span A) – Đường dẫn A
Senkou-Span A được biểu diễn là đường màu cam trên hình.
Công thức: Senkou-Span A = (Kijun-Sen + Tenkan-Sen) / 2, tiến về trước 26 phiên
Giá trị của Senkou-Span A chính là trung bình cộng giản đơn của Kijun-Sen và Tenkan-Sen, nhưng trên đồ thị, các giá trị này được vẽ tiến về phía trước 26 phiên giao dịch (trong tương lai).
Senkou-Span B (Leading Span B) – Đường dẫn B
Senkou-Span B chính là đường màu xám trên hình.
Công thức: Senkou-Span B = (High + Low) / 2, chu kỳ 52, tiến về trước 26 phiên
Các giá trị của Đường dẫn B được tính tương tự như Kijun-Sen và Tenkan-Sen nhưng với chu kỳ dài hơn, 52, và đường Senkou-Span B cũng được dịch về phía trước 26 phiên như Senkou-Span A.
Mô tả cách tính của Senkou-Span A và Senkou-Span B như bên dưới:
Kumo – Mây Ichimoku
2 Đường dẫn A và B tạo thành một bộ phận có hình dáng giống đám mây, gọi là mây Ichimoku và đám mây này cũng có tên gọi riêng là Kumo, hay mây Kumo.
Nếu đường Senkou-Span A nằm trên đường Senkou-Span B thì Kumo sẽ mang màu sắc của Senkou-Span A và ngược lại.
Nếu Kumo có Senkou-Span A nằm ở trên thì được gọi là mây tăng, ngược lại, nếu Senkou-Span B nằm trên thì gọi là mây giảm.
Phần Kumo đi trước giá còn được gọi là mây Kumo tương lai.
Dựa vào độ dày của mây Kumo và khoảng cách từ Kumo đến đường giá, trader có thể xác định xu hướng và hành vi phía sau biến động của thị trường. Mây Kumo cũng chính là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống giao dịch Ichimoku.
Nhận biết xu hướng:
- Giá nằm trên mây Kumo: xu hướng tăng
- Giá nằm dưới mây Kumo: xu hướng giảm
- Giá nằm bên trong mây Kumo: xu hướng đi ngang
Mây Kumo càng dày thì lực của xu hướng càng lớn, giá khó breakout khỏi mây và ngược lại.
Ichimoku và các mức hỗ trợ, kháng cự
Một trong những chức năng tuyệt vời của hệ thống Ichimoku chính là xác định các mức hỗ trợ, kháng cự của giá. Và một điều càng đặc biệt hơn nữa là tất cả các thành phần của chỉ báo này đều có thể thực hiện chức năng đó.
Kijun-Sen, Tenkan-Sen: Các mức hỗ trợ, kháng cự quan trọng
Là một đường MA chậm trong hệ thống giao dịch Ichimoku, Kijun-Sen đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự khi thị trường có xu hướng rõ ràng.
- Trong xu hướng tăng, Kijun-Sen là ngưỡng hỗ trợ mạnh
- Trong xu hướng giảm, Kijun-Sen là ngưỡng kháng cự mạnh
Khi giá cắt Kijun-Sen cũng là lúc sắp sửa xảy ra những biến động mạnh, cần cẩn trọng khi thực hiện giao dịch tại thời điểm này.
Vai trò là một ngưỡng hỗ trợ mạnh trong xu hướng tăng được thể hiện rất rõ ràng trong trường hợp ở hình trên. Giá liên tục chạm vào Kijun-Sen và quay đầu đi lên, tiếp tục xu hướng tăng.
Bản thân Tenkan-Sen là một đường MA nhanh nên nó có thể xác định các mức hỗ trợ, kháng cự trong ngắn hạn nhưng độ chuẩn xác không cao do chu kỳ quá ngắn, quá bám sát đường giá và không được ứng dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, nếu các bạn đã biết cách giao dịch với các đường trung bình động MA thì cũng sẽ biết đến vùng hỗ trợ, kháng cự được tạo bởi các đường MA với nhau. Và trong hệ thống Ichimoku, 2 đường MA nhanh và chậm: Tenkan-Sen và Kijun-Sen cũng có thể kết hợp để tạo ra vùng hỗ trợ hoặc kháng cự mạnh khi thị trường đang có xu hướng tăng hoặc giảm rõ ràng.
Trong xu hướng giảm, 2 đường Kijun-Sen và Tenkan-Sen tạo thành vùng kháng cự mạnh: giá đi vào vùng này (vượt qua Tenkan-Sen nhưng không vượt qua Kijun-Sen) thì quay đầu đi xuống, tiếp tục xu hướng giảm.
Chikou-Span: các mức hỗ trợ, kháng cự mạnh
Sở dĩ đường Chikou-Span cũng có chức năng xác định các mức hỗ trợ, kháng cự quan trọng là nhờ vào các đỉnh và đáy của nó vì về bản chất chúng chính là đỉnh và đáy của giá trong các giai đoạn ở quá khứ.
Khi xu hướng giảm kết thúc, giá tạo đáy và đương nhiên Chikou-Span cũng tạo đáy. Sau đó, giá đi ngang một thời gian, đây cũng chính là giai đoạn tích lũy của thị trường. Là đáy của một xu hướng giảm khá sâu, đáy Chikou-Span lúc này đóng vai trò là một mức hỗ trợ mạnh, khi giá đi vào vùng hỗ trợ này thì quay đầu, kết thúc giai đoạn tích lũy, bắt đầu một xu hướng tăng mới.
Mây Kumo: Hệ thống toàn diện về các mức hỗ trợ, kháng cự quan trọng
Các vùng giá tại đỉnh và đáy của Senkou-Span A (cũng là đỉnh và đáy của mây Kumo) là những vùng giá quan trọng, đây chính là các mức hỗ trợ, kháng cự, giá sẽ có xu hướng phản ứng mạnh tại những vùng giá này.
Đường Senkou-Span B có công thức tính tương tự đường Kijun-Sen nhưng với chu kỳ dài hơn nên tần suất đi ngang của Senkou-Span B cao hơn. Đường Senkou-Span B đi ngang lúc này đóng vai trò là các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự quan trọng, thời gian đi ngang càng dài thì lực cản càng mạnh.
Độ dày của mây Kumo thể hiện mức độ dao động của giá, Kumo càng dày thì giá dao động càng mạnh. Khi thị trường có xu hướng rõ ràng, mây Kumo đóng vai trò là các vùng giá hỗ trợ hoặc kháng cự quan trọng, mây Kumo càng dày thì lực cản càng mạnh.
Trong xu hướng giảm, giá luôn dịch chuyển phía dưới mây Kumo, khi chạm vào mây Kumo, giá quay đầu, tiếp tục xu hướng giảm. Sẽ có những đợt giá breakout những không thành công vì lực của xu hướng giảm mạnh.
Cách giao dịch toàn tập với hệ thống Ichimoku
Giao dịch với tín hiệu giao cắt giữa Kijun-Sen và Tenkan-Sen
Vị trí giữa 2 đường MA: MA nhanh (Tenkan-Sen) và MA chậm (Kijun-Sen) trên biểu đồ giá sẽ cung cấp cho trader các tín hiệu về xu hướng hiện tại của thị trường. Nếu Tenkan-Sen nằm trên Kijun-Sen đồng nghĩa với thị trường đang trong xu hướng tăng, ngược lại, nếu Tenkan-Sen nằm dưới Kijun-Sen thì thị trường đang trong xu hướng giảm.
Khi 2 đường này cắt nhau sẽ cung cấp cho trader các tín hiệu vào lệnh, cụ thể:
- Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên ? vào lệnh Buy.
- Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống ? vào lệnh Sell.
Ở tình huống trên, nếu các bạn giao dịch với mọi tín hiệu giao cắt giữa Tenkan-Sen và Kijun-Sen thì sẽ có tất cả 4 lệnh Buy và 3 lệnh Sell, trong đó chỉ có lệnh Buy 1, Buy 2, Buy 3 và Sell 3 là hiệu quả, các lệnh còn lại bị thua lỗ hoặc lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí giao dịch.
Trên thực tế, sự giao cắt giữa 2 thành phần này của chỉ báo Ichimoku xảy ra rất thường xuyên và số lượng các tín hiệu sai cũng nhiều không kém. Chính vì thế, một trong những nguyên tắc mà các bạn, những trader mới nên tuân thủ theo nếu muốn hạn chế rủi ro trong cách giao dịch này chính là “chỉ nên giao dịch thuận xu hướng”. Nghĩa là, trong một xu hướng tăng, chỉ nên chờ Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên để vào lệnh Buy và ngược lại, trong xu hướng giảm, chỉ nên chờ đợi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống để vào lệnh Sell.
Kết hợp các tín hiệu củng cố xu hướng:
Cách giao dịch với sự giao cắt giữa 2 đường Tenkan-Sen và Kijun-Sen càng hiệu quả hơn nếu xuất hiện các tín hiệu củng cố xu hướng từ những thành phần khác của Ichimoku, cụ thể:
- Xu hướng tăng được củng cố nếu Chikou-Span nằm trên đường giá (càng cách xa càng tốt) và giá nằm trên mây Kumo.
- Xu hướng giảm được củng cố nếu Chikou-Span nằm dưới đường giá và giá nằm dưới mây Kumo.
Vì vậy: lệnh Buy sẽ có xác suất thành công cao hơn nếu tại thời điểm Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, điểm giao cắt nằm trên mây Kumo và Chikou-Span nằm trên đường giá. Tương tự, lệnh Sell sẽ hiệu quả hơn nếu tại thời điểm Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống, điểm giao cắt nằm dưới mây Kumo và Chikou-Span nằm dưới đường giá.
- Lệnh Buy 1: mặc dù điểm giao cắt không nằm trên mây Kumo nhưng Chikou-Span nằm trên đường giá, xu hướng tăng được củng cố, lệnh Buy 1 hiệu quả.
- Lệnh Buy 2: lệnh này thỏa mãn cả 2 tín hiệu củng cố xu hướng tăng, điểm giao cắt nằm trên mây Kumo và Chikou-Span nằm trên đường giá, mặc dù khoảng cách không xa.
- Lệnh Sell 1: thứ nhất, lệnh này đang trái nguyên tắc thuận xu hướng, thứ hai, các tín hiệu củng cố xu hướng đều chống lại lệnh này: điểm giao cắt nằm trên Kumo và Chikou-Span cũng nằm trên đường giá.
- Lệnh Buy 3: tất cả các điều kiện giao dịch đều ủng hộ cho vị thế này.
Giao dịch với tín hiệu giao cắt giữa đường Chikou-Span với đường giá
Vị trí giữa Chikou-Span và đường giá cũng xác định xu hướng của thị trường. Khi 2 đường này cắt nhau sẽ cung cấp cho trader tín hiệu vào lệnh.
- Chikou-Span cắt giá từ trên xuống ? vào lệnh Sell.
- Chikou-Span cắt giá từ dưới lên ? vào lệnh Buy.
Cũng tương tự, trên thực tế, tín hiệu giao cắt giữa Chikou-Span và đường giá xảy ra rất thường xuyên, các bạn cần kết hợp thêm các tín hiệu củng cố xu hướng để giao dịch được hiệu quả nhất.
Ở thời điểm hiện tại, Chikou-Span vừa mới cắt đường giá từ dưới lên, vị trí của Chikou-Span lúc này cách khá xa giá, chứng tỏ thị trường đang trong xu hướng tăng, cộng với tín hiệu Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, hơn nữa, mây Kumo đang nằm dưới giá, đây chính là cơ hội để các bạn có thể vào một lệnh Buy đẹp. Đặt stop loss dưới đáy của mây Kumo tương lai một vài pips.
Cùng theo dõi kết quả…
Giao dịch với các tín hiệu từ mây Kumo
- Tín hiệu giao cắt giữa Senkou-Span A và Senkou-Span B
Tín hiệu này còn được gọi là tín hiệu đổi màu mây Kumo
- Khi Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ dưới lên, mây Kumo đổi màu từ xám sang cam ? vào lệnh Buy.
- Khi Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ trên xuống, mây Kumo đổi màu từ cam sang xám ? vào lệnh Sell.
Lưu ý: đây là tín hiệu được tạo ra từ mây Kumo tương lai (phần mây đi trước giá), không phải mây Kumo hiện tại, song song với đường giá.
Trong trường hợp này, có rất nhiều điều kiện thuận lợi để các bạn có thể vào một lệnh Buy đẹp.
- Thứ nhất, tín hiệu giao dịch: mây Kumo tương lai đổi màu từ xám sang cam.
- Thứ hai, Chikou-Span nằm trên đường giá ? xu hướng tăng, và nằm khá xa đường giá ? lực xu hướng mạnh.
- Thứ ba, Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên ? tín hiệu vào lệnh Buy.
Đường Senkou-Span B lúc này đi ngang khá dài, đây là mức hỗ trợ mạnh, các bạn có thể đặt stop loss của lệnh Buy tại đường dẫn B này.
Cùng theo dõi kết quả…
- Tín hiệu giá breakout mây Kumo
Giao dịch phá vỡ là một trong những cách giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất vì các bạn sẽ gặp rất nhiều trường hợp false breakout trong khi tất cả các điều kiện khác đều cho thấy sự phá vỡ một cách chắc chắn.
Nếu chưa đủ kinh nghiệm giao dịch breakout trên thị trường, chúng tôi khuyên các bạn không nên áp dụng cách giao dịch này.
Giá breakout mây Kumo khi nó đâm thủng mây, đóng cửa bên ngoài Kumo một cách rõ ràng và bắt đầu một xu hướng mới. Sẽ có trường hợp giá retest lại Kumo trước khi chính thức đi vào xu hướng mới nhưng cũng có lúc giá sẽ đâm thủng và đi lên/xuống thẳng mà không hề retest lại.
Đa số các trader đều chờ đợi đợt retest lại của giá rồi mới chính thức vào lệnh, nhưng điều này có thể giảm lợi nhuận tiềm năng nếu giá không retest.
Giao dịch breakout mây Kumo cũng cần thêm sự xác nhận của các tín hiệu củng cố xu hướng khác từ các thành phần còn lại của Ichimoku để xác suất giao dịch thành công cao hơn, hạn chế rủi ro hơn.
Cách giao dịch:
- Nếu giá đâm thủng mây Kumo từ dưới lên và đóng cửa phía trên mây Kumo rõ ràng ? vào lệnh Buy.
- Nếu giá đâm thủng mây Kumo từ trên xuống và đóng cửa phía dưới mây Kumo rõ ràng ? vào lệnh Sell.
Ở vị trí số 1 trên hình, giá đã đâm thủng mây Kumo và đóng cửa phía dưới đám mây. Một điều dễ dàng nhận thấy là mây Kumo lúc này khá mỏng giá dễ dàng đâm thủng hơn.
Những tín hiệu khác đều hỗ trợ cho lệnh Sell trong trường hợp này:
- Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống, tín hiệu vào lệnh Sell
- Chikou-Span nằm dưới và cách xa đường giá ? xu hướng giảm được củng cố, lực xu hướng giảm mạnh.
Tuy nhiên, trong tình huống này, giá đóng cửa bên dưới mây Kumo không được rõ ràng, nếu muốn chắc chắn hơn, các bạn có thể nên vào lệnh khi có sự xác nhận của cây nến tín hiệu (là một cây nến giảm ngay sau breakout bar), Ngay khi cây nến xác nhận đóng cửa thì vào lệnh Sell.
Đường Senkou-Span B lúc này đóng vai trò như một mức kháng cự mạnh, các bạn có thể đặt stop loss cho lệnh Sell tại mức giá này.
Cùng xem xét một trường hợp khác:
Khi giá đâm thủng Kumo lần đầu tiên, các tín hiệu khác đều ủng hộ cho một lệnh Buy đẹp. Tuy nhiên, giá đóng cửa trên đám mây không rõ ràng, hơn nữa, mây Kumo lúc này khá dày, việc tự tin cho rằng giá có thể breakout thành công là điều không nên.
Các bạn có thể chờ đợi diễn biến tiếp theo của giá.
Ngay sau đó, giá đã retest lại Kumo, sau đó đâm thủng và đóng cửa bên trên Kumo rõ ràng hơn lần đầu tiên. Lệnh Buy trong tình huống này có thể mang về cho các bạn lợi nhuận nhưng không đáng kể, tỷ lệ Risk:Reward không tốt. Đây có thể được xem như một đợt phá vỡ không thành công.
Tổng kết về hệ thống giao dịch hoàn chỉnh Ichimoku
Với tất cả các tín hiệu giao dịch từ những thành phần độc lập của chỉ báo Ichimoku và sự kết hợp giữa các thành phần với nhau, chỉ báo Ichimoku có thể tự bản thân nó tạo nên một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh mà không cần thêm vào bất kỳ một công cụ, phương pháp nào khác.
Kết hợp tất cả các tín hiệu đã trình bày ở phần trên lại với nhau, chúng ta có hệ thống giao dịch cụ thể như sau:
Lệnh Buy
- Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, điểm giao cắt nằm trên mây Kumo
- Chikou-Span nằm trên và cách càng xa đường giá càng tốt
- Mây Kumo đổi màu từ xám sang cam (Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ dưới lên)
- Giá đâm thủng mây Kumo từ dưới lên một cách rõ ràng
- Vào lệnh tại các điểm giao cắt (đối với giao dịch breakout Kumo thì vào lệnh tại giá đóng cửa của breakout bar), đặt stop loss tại các mức hỗ trợ quan trọng như: đáy của mây Kumo hoặc đường Senkou-Span B đi ngang.
- Sử dụng các tín hiệu ngược lại để đóng lệnh hoặc kết hợp thêm các phương pháp khác như mô hình nến.
Lệnh Sell
- Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống, điểm giao cắt nằm dưới mây Kumo
- Chikou-Span nằm dưới và cách càng xa đường giá càng tốt
- Mây Kumo đổi màu từ cam sang xám (Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ trên xuống)
- Giá đâm thủng Kumo từ trên xuống một cách rõ ràng
- Vào lệnh tại các điểm giao cắt (đối với giao dịch breakout Kumo thì vào lệnh tại giá đóng cửa của breakout bar), đặt stop loss tại các mức kháng cự quan trọng như đỉnh mây Kumo hoặc đường Senkou-Span B đi ngang.
- Sử dụng các tín hiệu ngược lại để đóng lệnh hoặc kết hợp mô hình nến hoặc tỷ lệ Risk:Reward hợp lý…
Hy vọng những gì mà chúng tôi đã chia sẻ trong bài viết sẽ giúp các bạn có được những kiến thức tổng quát nhất về Ichimoku, bước đầu làm quen và biết cách vận dụng công cụ này vào trong các giao dịch của mình.
Ichimoku có phải chén thánh?
Tất nhiên câu trả lời là KHÔNG, và không có bất kỳ một indicator, một hệ thống giao dịch hay một phương pháp nào là chén thánh cả. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra chén thánh cho riêng mình bằng những sự trải nghiệm, luyện tập và học hỏi không ngừng. Ichimoku là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh, bản thân nó đã vượt trội hơn rất nhiều so với đa số những indicators khác, đã có rất nhiều trader thành công với Ichimoku, và bạn cũng có thể là một trong số đó nếu tìm ra bí quyết riêng cho mình từ chỉ báo vô cùng đặc biệt này.