Lệnh chờ Buy Stop và Sell Stop là các loại lệnh rất lợi hại trên thị trường forex. Một khi nắm được cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc phân tích biểu đồ và sử dụng các loại lệnh đặc trưng này, bạn có thể thu được những lợi ích to lớn khi giao dịch forex. Trong bài viết bên dưới, chúng tôi không chỉ giúp bạn hiểu được lệnh Buy Stop / Sell Stop là gì mà còn đưa ra những ví dụ và hướng dẫn giao dịch thực tế một cách hiệu quả.
Lệnh chờ Buy Limit và Sell Limit là gì?
Lệnh chờ hay Pending Order là gì?
Như bạn biết, để giao dịch forex chúng ta sẽ phải đặt các lệnh mua hoặc bán. Có 2 kiểu vào lệnh:
- Kiểu 1: Đặt lệnh trực tiếp (Market Execution)
- Kiểu 2: Lệnh chờ (Pending Order)
Đặt lệnh trực tiếp là phương pháp đặt lệnh cơ bản nhất mà bất cứ ai tham gia giao dịch forex đều biết. Tức là lệnh của bạn sẽ được khớp ngay lập tức với mức giá thị trường đang có. Bạn thấy sàn giao dịch niêm yết mức giá nào thì đó chính là mức giá vào lệnh và được dùng để tính lời lỗ.
Ngược lại, đối với lệnh chờ, đúng như tên gọi, bạn sẽ phải chờ một thời gian để lệnh được khớp khi các điều kiện bạn đưa ra được thỏa mãn. Nhưng tại sao lại chờ và phải chờ đến bao giờ? Hãy xem tiếp các ví dụ bên dưới của chúng tôi để hình dung rõ hơn!
Có 4 loại lênh chờ phổ biến là Buy Stop, Sell Stop, Buy Limit và Sell Limit. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu lệnh Buy Stop và Sell Stop. Phần còn lại Buy Limit và Sell Limit sẽ được giới thiệu tại bài tiếp theo.
Lệnh chờ Buy Stop là gì? Tại sao phải sử dụng lệnh Buy Stop?
Lệnh chờ Buy Stop là công cụ rất hữu hiệu trong chiến lược breakout (phá vỡ). Theo đó, giá bạn mua sẽ thường là mức giá cao hơn so với giá hiện tại. Nghe có vẻ kỳ lạ phải không? Làm gì có ai muốn mua cao hơn giá thị trường cơ chứ?
Bạn chắc chắn không đọc nhầm. Bạn sẽ hiểu tại sao chúng tôi nói như vậy sau khi xem xét ví dụ này: Giả sử đã 2 ngày trôi qua nhưng cặp tiền chính EURUSD vẫn đi ngang trong khu vực giá 1.0030 – 1.0050. Không một xu hướng nào được tạo ra và bạn đã chán ngấy với sự ảm đạm này rồi, chúng ta rất khó kiếm được tiền trong một thị trường ủ rũ như thế.
Tuy nhiên điều đặc biệt là bạn tin rằng chỉ cần EURUSD có thể tăng lên và thoát ra khỏi phạm vi giao dịch đó thì xu hướng tăng sẽ bùng nổ mạnh mẽ. Bạn phải làm gì trong tình huống này? Liệu bạn có định ngồi trước màn hình 24/24 để chờ xem khi nào cặp tỷ giá trên tăng giá để nhấn nút đặt lệnh? Tất nhiên là không rồi!
Đây chính là thời điểm lý tưởng để lệnh Buy Stop thể hiện sức mạnh của mình. Điều bạn cần làm là đặt một lệnh Buy Stop tại giá 1.0060. Nếu EURUSD tăng lên và chạm được tới mốc 1.0060, sàn giao dịch sẽ ngay lập tức đặt một lệnh mua và bạn có cơ hội bắt kịp đợt tăng giá cực mạnh. Bạn có thể vào lệnh ngay cả khi đang ngủ hay thậm chí khi bị mất kết nối internet. Ngược lại, nếu cặp tỷ giá này vẫn tiếp tục đi ngang và không thể tăng lên mức giá bạn đã đặt Buy Stop, lệnh sẽ không khớp và bạn không chịu bất kỳ rủi ro mất tiền nào cả.
Dưới đây là một ví dụ về lệnh Buy Stop:
Trong hình minh họa trên, bạn hãy tưởng tượng phần biểu đồ có màu sắc xanh/đỏ là diễn biến biểu đồ cho đến thời điểm hiện tại và phần màu xám là diễn biến có thể xảy ra trong “tương lai”. Lệnh Buy Stop sẽ được đặt cao hơn mức giá hiện tại, nếu thị trường tăng lên và chạm vào mức giá cài đặt trước đó, lệnh mua sẽ được kích hoạt.
Lệnh chờ Sell Stop là gì?
Tương tự như Buy Stop, lệnh chờ Sell Stop cũng là công cụ rất hữu hiệu trong chiến lược giao dịch breakout (giao dịch phá vỡ). Sell Stop là kiểu đặt lệnh được thiết lập với mức giá thấp hơn mức giá hiện tại. Tài khoản của bạn sẽ tự động vào lệnh bán nếu thị trường giảm và chạm vào một mức giá bạn thiết lập.
Nếu đã hiểu được đặc điểm của lệnh Buy Stop thì bạn cũng sẽ dễ dàng hình dung về lệnh Sell Stop. Giả sử GBPUSD đã di chuyển trong một phạm vi giao dịch 1.3010 – 1.3030 từ lâu rồi. Tất nhiên vào lệnh tại các mức giá này sẽ gặp bất lợi vì giá di chuyển không nhiều. Chính vì thế, , bạn muốn chờ GBPUSD vượt qua các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, xuyên thủng qua mốc 1.3000 để xác nhận xu hướng giảm bùng nổ.
Từ phân tích đó, bạn có thể đặt một lệnh Sell Stop ở giá 1.3000. Nếu GBPUSD giảm xuống 1.3000, lệnh bán ngay lập tức được kích hoạt và bạn có cơ hội nắm lấy xu hướng ngay khi vừa hình thành.
Ngược lại, trong trường hợp GBP không giảm theo dự đoán, lệnh không thể khớp và bạn cũng sẽ không chịu bất kỳ rủi ro mất tiền nào.
Dưới đây là một ví dụ về lệnh Sell Stop:
Trong hình minh họa trên, bạn hãy tưởng tượng phần biểu đồ có màu sắc xanh/đỏ là diễn biến cho đến thời điểm hiện tại và phần màu xám là diễn biến có thể xảy ra trong “tương lai”. Lệnh Sell Stop sẽ được đặt thấp hơn mức giá hiện tại, nếu thị trường giảm và chạm vào mức giá chúng ta đã cài đặt từ trước, lệnh bán sẽ được kích hoạt.
Ưu điểm của lệnh chờ Buy Stop / Sell Stop
Dưới đây là những ưu điểm của lệnh chờ Buy Stop / Sell Stop so với lệnh thị trường hay lệnh Limit:
- Buy Stop / Sell Stop giúp bạn “xuôi theo chiều gió”: Nếu thị trường tăng, bạn mua. Nếu thị trường giảm, bạn bán. Do đó giúp bạn luôn bắt kịp với chuyển động của thị trường.
- Buy Stop / Sell Stop có thể được dùng để giao dịch theo tin tức. Như bạn biết, khi thị trường ra những tin tức quan trọng, giá của các cặp tiền di chuyển rất mạnh có thể lên tới cả trăm pip trong vòng một thời gian ngắn. Do đó có một cách giao dịch mà các trader sử dụng vào thời điểm ra tin đó là đặt đồng thời một lệnh Buy Stop bên trên giá hiện tại 20 pip chẳng hạn và một lệnh Sell Stop dưới giá hiện tại 20 pip chẳng hạn. Sau khi ra tin, nếu giá tăng 50 pip, lệnh Buy Stop sẽ khớp là bạn lời 30 pip (50 – 20). Còn nếu giá giảm 50 thì sao? Không sao cả, lệnh Buy Stop bên trên không khớp nhưng lệnh Sell Stop bên dưới sẽ khớp và bạn cũng có thể lời được 30 pip. Tuy vậy, chiến thuật này đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm dày dặn bởi vì có những trường hợp giá có thể quét lên rồi lại quét xuống theo cả 2 phía sau khi tin ra.
Lệnh Buy Stop / Sell Stop cũng có những nhược điểm riêng:
- Thông qua những phần giới thiệu trên, có lẽ bạn đã hiểu được lệnh Buy Stop giúp bạn “mua giá cao và bán cao hơn nữa để kiếm lời” còn lệnh Sell Stop giúp bạn “bán giá thấp và chốt lệnh thấp hơn nữa để kiếm lời”. Hai lệnh này khác biệt lớn so với lệnh Buy Limit / Sell Limit vốn giúp bạn “mua thấp bán cao”. Chính vì thế bạn thường chỉ đạt được lợi nhuận cao khi sử dụng Buy Stop / Sell Stop trong trường hợp thị trường có những bước di chuyển mạnh.
Cách đặt lệnh Buy Stop / Sell Stop trên MT4
Cách đặt lệnh Buy Stop và Sell Stop trên MT4/MT5 cực kỳ đơn giản. Bạn có thể làm theo những bước như sau:
Bước 1: Sau khi phân tích biểu đồ trên MT4, nhấn “F9” hoặc click “New Order” trên thanh công cụ để mở hộp thoại đặt lệnh. Trong mục “Type”, bạn hãy chọn “Pending Order”
Bước 2: Sau khi chọn “Pending Order”, hộp thoại sẽ xuất hiện thêm một khu vực để bạn có thể lựa chọn một trong bốn loại lệnh chờ. Tại đây bạn chọn Buy Stop hoặc Sell Stop. Sau đó nhập mức giá kích hoạt tại mục “at price”. Expiry là thời gian hết hạn, nếu quá thời gian này mà lệnh của bạn không khớp được thì sẽ bị hủy.
Bước 3: Kiểm tra lại thông tin về cặp tiền, stop loss, chốt lời, mức giá kích hoạt sau đó nhấn “Place”
Hướng dẫn sử dụng lệnh chờ Buy Stop / Sell Stop
Với lệnh Buy Stop / Sell Stop, chúng ta có thể bắt lấy các xu hướng đang hình thành trên thị trường. Cách sử dụng chi tiết Buy Stop / Sell Stop là rất đa dạng và tùy thuộc vào chiến lược giao dịch forex mà bạn sử dụng. Thông thường các trader sử dụng hai lệnh này khi phân tích các mô hình nến, mô hình giá hoặc phân tích các vùng hỗ trợ, kháng cự.
Ở đây chúng tôi đưa ra một ví dụ về cách sử dụng hiệu quả chiến lược giao dịch với lệnh Buy Stop / Sell Stop như sau:
Như bạn có thể thấy trong biểu đồ trên, giá đang đi trong một mô hình Triangle (Tam Giác). Theo lý thuyết, nếu giá phá lên cạnh trên của tam giác, thị trường có khả năng cao sẽ tăng. Ngược lại, nếu giá phá xuống cạnh dưới của tam giá, thị trường có khả năng cao sẽ giảm. Như vậy để giao dịch với mô hình Tam Giác này, chúng ta có thể đặt một lệnh Buy Stop phía trên mô hình tam giác và đặt tiếp một lệnh Sell Stop phía dưới mô hình. Nếu giá tăng lên và chạm vào mức đã cài đặt, lệnh Buy sẽ được kích hoạt và bạn có cơ hội bám theo một đợt tăng giá mới. Trường hợp ngược lại, nếu giá giảm xuống, lệnh Sell sẽ được kích hoạt và đợt giảm giá mới đang chờ bạn.
Tổng kết
Lệnh Buy Stop và Sell Stop là hai kiểu đặt lệnh rất hữu ích trong giao dịch forex giúp bạn bắt kịp những diễn biến giá mới nhất. Tuy nhiên hãy luôn nhớ rằng cho dù vào lệnh bằng cách nào thì bạn cũng cần đặt dừng lỗ và chốt lời hợp lý, đồng thời tuân thủ các chiến lược quản lý rủi ro. Chúc bạn thành công!