Trong tất cả các phương pháp phân tích thì đa số các Swing traders đều ưa chuộng trường phái phân tích hành động giá Price action, trong đó các mô hình nến – candlestick pattern là công cụ giao dịch được sử dụng phổ biến nhất và cực kỳ hiệu quả.
Giao dịch với mô hình nến Doji trên khung thời gian H4 chính là chiến lược mà chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn trong bài viết lần này, và đặc biệt hơn thì đây là chiến lược dành riêng cho các swing traders.
Trước khi giới thiệu cụ thể về chiến lược thì chúng ta sẽ cùng nhắc lại một chút về mẫu nến Doji và lý do tại sao H4 lại là khung thời gian phù hợp nhất với các Swing Traders. Cùng bắt đầu nhé.
Mẫu nến Doji là gì? Phân loại và Ý nghĩa của nến Doji
Nến Doji là gì?
Doji là một trong những mẫu nến xuất hiện thường xuyên nhất trên thị trường. Cây nến này có giá đóng cửa bằng với giá mở cửa nên thân nến giống như một đường thẳng nằm ngang, bóng nến có thể dài hẳn về một phía, có thể dài ở cả hai phía hoặc cũng có thể không có cả bóng nến trên và dưới.
Trong trường hợp giá mở cửa và đóng cửa khác nhau thì chênh lệch của chúng cũng không đáng kể và màu sắc của cây nến lúc này cũng không quan trọng.
Doji có thể xuất hiện trong mọi điều kiện thị trường như khi thị trường đang trong xu hướng tăng, giảm hoặc đi ngang, nhưng nó chỉ cung cấp tín hiệu mạnh mẽ trong một vài tình huống nhất định. Ngoài ra, thân nến Doji như một đường thẳng chứng tỏ cả 2 phe mua và bán đã xảy ra sự giằng co quyết liệt và cho đến cuối phiên, không phe nào thắng thế khi giá đóng cửa không thay đổi so với lúc mở cửa. Do đó, nếu chỉ dựa vào duy nhất cây nến Doji thì trader khó có thể dự đoán được diễn biến tiếp theo của giá. Mà trong các chiến lược giao dịch với Doji, trader sẽ thường kết hợp với indicators hoặc hành động giá xảy ra xung quanh mẫu nến này.
Phân loại và Ý nghĩa của nến Doji
Nến Doji có tất cả 5 biến thể, mỗi biến thể có một hình dáng nhất định và cung cấp những thông tin cụ thể về diễn biến của phiên giao dịch hình thành nên cây nến, giúp trader có thể dự đoán phần nào về hướng đi của giá, ít nhất là một vài phiên sau đó.
Doji chuẩn – Common Doji
Cây Doji này có bóng nến ngắn ở cả 2 phía và cân xứng với nhau, tạo với thân nến thành hình một dấu cộng cân bằng. Doji trong tiếng Nhật có nghĩa là ngôi sao nên mô hình này còn được gọi là Doji sao (Doji Star).
Áp lực mua và bán trong phiên giao dịch hình thành nến Common Doji là ngang nhau và cả 2 phe đều không quá quyết liệt trong trận chiến này. Do đó, cho dù Common Doji có xuất hiện trong xu hướng như thế nào thì tín hiệu mà nó cung cấp cũng không rõ ràng và mạnh mẽ, giá vẫn có thể tiếp tục xu hướng hoặc đảo chiều hoặc chuyển sang sideway.
Tất nhiên, nếu chỉ duy nhất cây nến Common Doji này thì khó có thể dự đoán được xu hướng tiếp theo của giá. Nhưng nếu kết hợp quan sát hành vi của giá xung quanh cây nến này thì chắc chắn sẽ có thông tin hữu ích cho giao dịch của trader.
Doji chân dài – Long legged Doji
Bóng nến trên và dưới của mẫu Doji này cũng cân xứng với nhau nhưng chúng rất dài chứ không ngắn như Common Doji.
Mẫu Doji này cho biết sự giằng co vô cùng quyết liệt giữa 2 phe mua và bán trong suốt phiên giao dịch. Bóng nến trên rất dài cho biết đã có khoảng thời gian phe mua chiếm ưu thế hơn khi đưa giá lên rất cao nhưng áp lực bán lớn xuất hiện kéo giá xuống lại. Bóng nến dưới rất dài cho biết phe bán đã có khoảng thời gian chiếm ưu thế trên thị trường nhưng áp lực mua lớn đã triệt tiêu hoàn toàn âm mưu của phe bán. Sự đấu đá quyết liệt giữa 2 phe cho đến cuối cùng thì cũng không phe nào dành chiến thắng.
Tuy nhiên, cây nến Doji chân dài này lại cung cấp một manh mối khá quan trọng, rằng giá sẽ biến động rất lớn sau đó, vì thế khi cây Long legged Doji xuất hiện, trader sẽ tập trung quan sát hành vi của giá ngay sau mô hình hoàn thành để dự đoán được biến động lớn sẽ xảy ra theo hướng nào.
Doji chuồn – Dragonfly Doji
Mẫu Doji này có phần bóng nến dưới rất dài, bóng nến trên rất ngắn hoặc không có, kết hợp với thân nến tạo thành hình dáng giống như con chuồn chuồn đang sải cánh.
Cũng giống như các mẫu Doji khác, Dragonfly Doji cũng phản ánh cuộc chiến bất phân thắng bại của 2 phe nhưng rõ ràng, cây nến này lại cho biết dường như phe mua đang có vẻ chiếm ưu thế hơn khi không cho phép thị trường đưa giá xuống thấp hơn.
Thông thường, các price action traders sẽ chỉ quan tâm đến cây nến Doji này nếu nó xuất hiện trong một xu hướng giảm hoặc trong đợt điều chỉnh giảm của một xu hướng tăng vì lúc này, Doji chuồn cho biết áp lực bán đang suy yếu, phe bán không thể kéo giá xuống thấp hơn, đồng thời áp lực mua lớn xuất hiện có khả năng làm đảo chiều xu hướng.
Ngược lại, nếu mẫu Doji chuồn xuất hiện trong một xu hướng tăng thì mọi khả năng về biến động giá có thể xảy ra với xác suất như nhau. Giá có thể sẽ tiếp tục tăng vì áp lực mua vẫn còn mạnh mặc dù có sự xuất hiện của áp lực bán, cũng có thể thị trường sẽ đảo chiều giảm vì áp lực mua đang suy yếu do không thể đưa giá lên cao hơn, nhưng cũng có thể giá sẽ đi ngang ngay sau đó.
Doji bia mộ – Gravestone Doji
Đây là mẫu Doji đảo ngược của Doji chuồn, với phần bóng nến trên rất dài, bóng nến dưới rất ngắn hoặc không có bóng nến.
Mở đầu phiên giao dịch, phe mua đã đưa giá lên rất cao nhưng áp lực bán lớn xuất hiện kéo giá xuống và duy trì bằng với giá mở cửa cho đến cuối phiên. Do đó, nếu cây nến này xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc trong đợt điều chỉnh tăng của một xu hướng giảm thì tín hiệu giá đảo chiều sẽ mạnh mẽ hơn. Còn nếu nó xuất hiện trong xu hướng giảm thì xác suất như nhau cho mọi tình huống biến động giá có thể xảy ra, tương tự với Doji chuồn.
Dojji không bóng nến – The 4 price Doji
Là mẫu Doji không có cả bóng nến trên và dưới, chỉ bao gồm phần thân nến là một đường thẳng với giá đóng cửa bằng giá mở cửa.
Trong suốt phiên giao dịch hình thành nên cây nến này, cả 2 phe mua và bán đều không có động tĩnh nào, không phe nào gia nhập thị trường nên không có bất kỳ sự biến động giá nào xảy ra. Mọi dự đoán về khả năng biến động giá sau khi mô hình này xuất hiện đều bất khả thi. Do đó, khi bắt gặp cây Doji này, thường traders sẽ bỏ qua.
Cách giao dịch với mẫu nến Doji
Như đã nói, với cây Doji không bóng nến, chúng ta sẽ bỏ qua và không quan tâm nó. Còn với 4 mẫu Doji kia sẽ được chia thành 2 nhóm:
- Common Doji và Long legged Doji: cả 2 mẫu Doji này đều chỉ cho biết 2 phe mua – bán đã tranh đấu quyết liệt và không phe nào chiến thắng, Long legged Doji còn chỉ ra thêm sự tồn tại của một biến động giá mạnh mẽ có thể xảy ra sau đó, nhưng cả 2 cũng đều không thể cung cấp thêm manh mối nào về hướng di chuyển của giá sau khi mô hình hoàn thành. Chính vì thế, đối với 2 mẫu Doji này, cách giao dịch hiệu quả nhất chính là quan sát hành vi của giá trước và sau khi cây Doji hình thành, đồng thời sử dụng các vùng giá quan trọng (hỗ trợ, kháng cự) để giao dịch đạt hiệu quả cao nhất.
- Dragonfly Doji và Gravestone Doji: 2 mẫu Doji này thì lại cho biết manh mối về hướng di chuyển của giá sau khi mô hình hoàn thành nhưng trong một điều kiện nhất định, cụ thể chính là xu hướng thị trường trước khi mô hình xuất hiện. Cụ thể, chiến lược giao dịch đảo chiều sẽ được áp dụng nếu Dragonfly Doji xuất hiện trong một xu hướng giảm hoặc đợt điều chỉnh giảm của một xu hướng tăng và Gravestone Doji phải xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc đợt điều chỉnh tăng của một xu hướng giảm.
H4 là gì?
H4 trong giao dịch forex hay đầu tư chứng khoán, tiền điện tử… chính là ký hiệu của khung thời gian giao dịch 4 giờ.
Mỗi cây nến trên khung thời gian H4 mô tả lại chuyển động của giá trong vòng 4 tiếng đồng hồ, mà thị trường forex hoạt động 24/24, do đó một ngày sẽ có 6 cây nến H4. Trong khi đó, ở thị trường chứng khoán, mỗi ngày chỉ có 2 cây nến.
Khung thời gian H4 không nhỏ nhưng cũng không quá lớn, do đó đây là khung thời gian lý tưởng để thực hiện các giao dịch trung hạn với thời gian giữ lệnh từ vài ngày đến vài tuần.
Vì sao khung thời gian H4 lại quan trọng với các Swing traders?
Thứ nhất, giao dịch trên khung H4, các bạn sẽ không còn phải là nô lệ của thị trường, không còn phải liên tục dán mắt vào màn hình, đến nỗi làm gì cũng vội vàng để nhanh chóng quay trở lại với đồ thị giá, các bạn sẽ tự do hơn.
Thứ hai, vì mỗi cây nến có đến 4 giờ để hoàn thành nên những tác động đến từ các sự kiện quan trọng, đặc biệt là các sự kiện tác động trong ngắn hạn sẽ không ảnh hưởng nhiều trên khung H4, do đó, sẽ hạn chế được rủi ro nếu giao dịch trên timeframe này.
Thứ ba, tiềm năng lợi nhuận lớn hơn so với các khung thời gian nhỏ. Điều này là đương nhiên, bởi vì những biến động giá trên khung H4 không hề nhỏ, đặc biệt việc giữ lệnh từ vài ngày đến vài tuần sẽ giúp trader bắt được những con sóng lớn hơn.
Thứ tư, không quá nghiêm ngặt trong việc xác định thời điểm vào lệnh chính xác tuyệt đối như với các giao dịch lướt sóng, giao dịch trong ngày, cho phép trader có những sai sót nhất định.
Và cuối cùng, được thực hiện các chiến lược kết hợp với khung thời gian dài hạn để đạt hiệu quả cao nhất trong giao dịch.
Chiến lược giao dịch với nến Doji trên khung H4
Về lý thuyết thì nến Doji xuất hiện trên hầu hết các khung thời gian, nhưng khi thực chiến, rất nhiều trader và kể cả chúng tôi đều nhận thấy rằng mô hình nến này phát ra tín hiệu mạnh mẽ nhất có lẽ là trên khung thời gian H4, đi kèm với một số setup đặc biệt cho chiến lược giao dịch với mô hình này.
Chiến lược này được thực hiện khi cây nến Doji bị kẹp giữa 2 cây nến có thân tương đối lớn, chúng có thể xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc giảm, phụ thuộc vào 2 cây nến lớn bên cạnh Doji.
Thiết lập của chiến lược
Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng hoặc đợt điều chỉnh tăng của một xu hướng giảm thì ta cần:
- Xuất hiện một cây nến giảm tương đối lớn
- Theo sau đó là một cây Doji
- Cây nến thứ ba của mô hình này cũng là 1 cây nến giảm, có thân bằng hoặc gần bằng với thân nến thứ nhất.
Chúng ta có thể gọi tên cho thiết lập này là mô hình Doji giảm.
Ngược lại, nếu thị trường đang trong xu hướng giảm hoặc đợt điều chỉnh giảm của một xu hướng tăng thì chúng ta cần:
- Xuất hiện một cây nến tăng tương đối lớn
- Theo sau đó là một cây Doji
- Cây nến thứ ba của mô hình này là một cây nến tăng với thân nến tương đương với thân nến 1.
Và ngược lại, thiết lập này là mô hình Doji tăng.
Lưu ý: Có thể có nhiều hơn 1 cây Doji bị kẹp giữa 2 cây nến bên cạnh. Và nếu càng nhiều Doji bị kẹp giữa thì tín hiệu càng mạnh mẽ.
Còn về việc xác định xu hướng thị trường trước khi 3 cây nến của mô hình này xuất hiện thì đơn giản là các bạn có thể dựa vào cấu trúc xu hướng thông qua hành vi của giá và được thực hiện trực tiếp trên khung thời gian H4. Cụ thể:
- Nếu giá di chuyển tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước → thị trường đang trong xu hướng tăng
- Nếu giá di chuyển tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau thấp hơn đáy trước → thị trường đang trong xu hướng giảm.
Việc định xu hướng hiện tại không quá khó nhưng cực kỳ quan trọng và tuyệt đối không được bỏ qua bước này.
Hướng giao dịch
Đây là chiến lược giao dịch đảo chiều xu hướng, nghĩa là sau khi mô hình hoàn thành, giá sẽ đi theo hướng của cây nến thứ nhất và thứ ba.
Xác định vị trí vào lệnh
Có 3 cách vào lệnh khi giao dịch với chiến lược này:
- Vào lệnh ngay khi cây nến thứ 3 của mô hình đóng cửa
- Chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận theo ngay sau cây nến thứ ba (nếu nến thứ 3 là nến tăng thì nến thứ 4 cũng là nến tăng và ngược lại) và vào lệnh khi cây nến này đóng cửa.
- Chờ đợi giá phá vỡ được mức giá cao nhất hoặc thấp nhất của cây nến thứ ba và vào lệnh.
Đối với chiến lược này thì các bạn có thể áp dụng một trong 3 cách vào lệnh trên đều được.
Xác nhận lại tín hiệu giao dịch bằng indicators
Cũng như bao mô hình nến hay bất kỳ một công cụ phân tích nào, tín hiệu đảo chiều tạo ra từ mô hình này cũng cần được xác nhận lại từ tín hiệu của một công cụ phân tích khác. Mà cụ thể ở chiến lược này, chúng tôi sử dụng tín hiệu quá mua/quá bán từ Stochastic.
Quản lý giao dịch hiệu quả bằng đường trung bình động MA
Quản lý giao dịch liên quan đến việc trader cần xác định giao dịch hay lệnh được thực hiện sẽ là một giao dịch ngắn hạn hay có tiềm năng trong dài hạn. Và những tín hiệu nào cho biết việc giữ lệnh lâu dài là có cơ sở hay tín hiệu nào cho biết giao dịch này chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn.
Và công cụ mà chúng tôi sử dụng để quản lý giao dịch trong chiến lược này chính là đường trung bình trượt MA, một indicators cơ bản nhưng lại cực kỳ hữu ích và mạnh mẽ.
Thứ nhất, sử dụng đường SMA200 để xác định giao dịch có hiệu quả trong dài hạn hay không và nên giữ lệnh trong bao lâu.
- Nếu mô hình Doji tăng nằm dưới đường SMA200, thì chúng ta nên xem đây là một giao dịch trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Ngược lại, nếu mô hình Doji tăng nằm trên đường SMA200 thì chúng ta có đủ cơ sở để phát triển giao dịch trong dài hạn, nghĩa là tiếp tục ở lại với xu hướng để bắt được con sóng lớn hơn.
- Nếu mô hình Doji giảm nằm dưới đường SMA200 thì đó chính là cơ hội để chúng ta có thể giao dịch trong dài hạn, ngược lại, hãy xem giao dịch đó là một giao dịch ngắn hạn hoặc trung hạn nếu mô hình nằm trên đường SMA200.
Thứ hai, sử dụng đường SMA50 như một công cụ để theo dõi lệnh có đang đi đúng hướng hay không?
- Đối với mô hình Doji tăng, điều chúng ta cần là giá sẽ vượt lên trên đường SMA50 ở những cây nến đầu tiên sau khi lệnh đã được thực hiện hoặc ngay trong quá trình phát triển của mô hình này.
- Ngược lại, đối với mô hình Doji giảm, thì giá vượt xuống dưới đường SMA50 ở những cây nến đầu tiên sau khi vào lệnh hoặc ngay trong quá trình phát triển của mô hình chính là điều mà chúng ta sẽ quan tâm và chờ đợi.
Chiến lược đặt stop loss và take profit
Stop loss
Vì trong chiến lược có sử dụng đường trung bình trượt SMA50 nên chúng ta sẽ tận dụng cả indicator này để thực hiện chiến lược cắt lỗ, cụ thể:
- Đối với mô hình Doji tăng: đặt stop loss ngay phía dưới mức giá thấp nhất của mô hình và khi giá vượt lên trên đường SMA50 thì dời stop loss đến vị trí ngay dưới đường trung bình này để giảm thiểu rủi ro.
- Đối với mô hình Doji giảm: đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của mô hình và khi giá vượt xuống dưới đường SMA50 thì dời stop loss đến vị trí ngay trên đường trung bình này để giảm thiểu rủi ro.
Take profit
Đối với chiến lược chốt lời, chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn, phụ thuộc vào điều kiện thị trường thực tế.
- Đối với mô hình Doji tăng, nếu mô hình xuất hiện phía dưới đường SMA200 thì chúng ta có thể đóng lệnh khi Stochastic đi vào vùng quá mua và đang thoát ra khỏi vùng này. Còn nếu mô hình xuất hiện phía trên đường SMA200 thì chúng ta cần thêm tín hiệu đảo chiều khác mạnh mẽ hơn để có thể bắt được con sóng lớn hơn, chẳng hạn như đường SMA50 cắt đường SMA200 từ trên xuống, giá cắt đường SMA50 từ trên xuống…
- Đối với mô hình Doji giảm, nếu mô hình xuất hiện phía trên đường SMA200 thì chúng ta có thể đóng lệnh khi Stochastic đi vào vùng quá bán và đang thoát ra khỏi vùng này. Còn nếu mô hình xuất hiện phía dưới đường SMA200 thì chúng ta cần thêm tín hiệu đảo chiều khác mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như đường SMA50 cắt đường SMA200 từ dưới lên, giá cắt đường SMA50 từ dưới lên…
Ví dụ 1: Mô hình Doji giảm
Trước tiên, chúng ta có thể nhận định rằng xu hướng hiện tại của thị trường là đang giảm vì tất cả các mức giá đều nằm dưới SMA200. Mô hình Doji giảm xuất hiện khi thị trường đang điều chỉnh tăng.
Trong quá trình các cây nến của mô hình phát triển thì Stochastic cũng đi vào vùng quá mua (vượt lên trên ngưỡng 80). Khi cây nến thứ 3 của mô hình hoàn thành thì Stochastic cũng cắt đường 80 đi xuống → tín hiệu giá bắt đầu giảm xuống.
Chúng ta có thể vào ngay lệnh Sell khi cây nến thứ 3 đóng cửa hoặc chờ đợi giá phá vỡ thành công mức giá thấp nhất của nến 3 rồi mới vào lệnh (như hình trên). Trong trường hợp này, cây nến đỏ breakout nến 3 của mô hình (đóng cửa dưới mức giá thấp nhất của nến 3) cũng là cây nến breakout đường SMA50 đi xuống → tín hiệu giá giảm càng được củng cố.
Đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của mô hình. Trong trường hợp này, khoảng cách từ mô hình đến vị trí giá beakout đường SMA50 đi xuống rất gần, do đó chúng ta không cần phải dời stop loss.
Mô hình Doji giảm này xuất hiện phía dưới đường SMA200, do đó, chúng ta có thể kỳ vọng về một giao dịch dài hạn. Mục tiêu ban đầu của chúng ta là chờ cho giá cắt đường SMA200 đi lên hoặc SMA50 cắt SMA200 đi lên sẽ đóng lệnh vì lúc đó, xu hướng giảm dài chính thức bị đảo chiều. Tuy nhiên, trong quá trình giá di chuyển thì tín hiệu hội tụ giữa giá và Stochastic xuất hiện, cảnh báo về khả năng đảo chiều của xu hướng. Do đó, chúng ta có thể đóng lệnh sớm tại đây để bảo toàn lợi nhuận cao nhất có thể (điểm TP1). Hoặc ngay sau đó, giá cắt đường SMA50 đi lên, các bạn cũng có thể đóng lệnh tại đây (điểm TP2).
Ví dụ 2: mô hình Doji tăng
Phần lớn các mức giá đều nằm dưới đường SMA200, thậm chí SMA50 → thị trường đang trong xu hướng giảm mạnh. Mô hình Doji tăng xuất hiện trong xu hướng giảm, cảnh báo về khả năng đảo chiều hoặc điều chỉnh tăng của xu hướng. Vì mô hình xuất hiện ở dưới đường SMA200 nên giao dịch này sẽ được kỳ vọng là một giao dịch ngắn hạn hoặc trung hạn.
Mô hình Doji tăng này có độ tin cậy lớn khi bao gồm 2 cây Doji nằm giữa và 2 cây nến bên cạnh có độ lớn gần như bằng nhau.
Khi mô hình hoàn thành cũng là lúc Stochastic bắt đầu rời khỏi vùng quá bán → tín hiệu giá tăng lên được củng cố → vào lệnh ngay khi cây nến cuối cùng của mô hình đóng cửa.
Sau đó, giá cũng đã cắt đường SMA50 đi lên. Nhiệm vụ của chúng ta lúc này là chờ đợi tín hiệu giá đảo chiều giảm xuất hiện để đóng lệnh.
Trong trường hợp này, chúng ta có thể dời stop loss lên trên, đặt ngay dưới cây nến breakout SMA50.
Sau một thời gian tăng lên như kỳ vọng thì giá cắt đường SMA200 đi lên, nhưng ngay sau đó giảm xuống và cắt xuống dưới đường SMA200, cùng lúc đó thì Stochastic cũng bắt đầu rời khỏi vùng quá mua → cảnh báo về khả năng giá sẽ giảm xuống, chúng ta có thể đóng lệnh ngay lúc cây nến giảm cắt xuống đường SMA200 đóng cửa (như hình).
Thiết lập khác của mô hình Doji
Bên cạnh thiết lập cơ bản của mô hình Doji như đã trình bày ở phần trên thì chúng ta còn một thiết lập khác nữa. Cụ thể
- Mô hình Doji tăng: xuất hiện trong một xu hướng giảm hoặc đợt điều chỉnh giảm của một xu hướng tăng. Cây nến tín hiệu đầu tiên là một cây nến giảm với thân tương đối lớn, tiếp đến là một cây Doji và cây nến thứ 3 là một cây nến tăng đóng cửa cao hơn mức giá mở cửa của cây nến thứ nhất.
- Mô hình Doji giảm: xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc đợt điều chỉnh tăng của một xu hướng giảm. Cây nến tín hiệu đầu tiên là một cây nến tăng với thân tương đối lớn, tiếp đến là một cây Doji và cây nến thứ 3 là một cây nến giảm đóng cửa thấp hơn mức giá mở cửa của cây nến thứ nhất.
2 mô hình này khá giống với Morning Star (Sao Mai) và Evening Star (Sao Hôm), tuy nhiên, điều kiện bắt buộc là cây nến thứ ba phải đóng cửa cao hơn/thấp hơn mức giá mở cửa của nến 1, trong khi 2 mô hình Sao Mai và Sao Hôm thì chỉ cần đóng cửa cao hơn/thấp hơn 50% thân nến 1 là được.
Chiến lược giao dịch đối với thiết lập đặc biệt này hoàn toàn giống với thiết lập cơ bản ở phần trên hoặc các bạn cũng có thể tham khảo các chiến lược giao dịch với mô hình nến Morning Star/Evening Star vì xét về mặt ý nghĩa, chúng giống nhau và tín hiệu tạo ra cũng hoàn toàn giống nhau.
Tham khảo:
- Mô hình nến Evening Star là gì? Ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất.
- Mô hình nến Morning Star là gì? Ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất.
Kết luận
Với những ai đang theo đuổi phong cách giao dịch swing trading và phương pháp phân tích hành động giá price action thì có thể áp dụng chiến lược này một cách hiệu quả nhất hoặc có thể sử dụng nó như một hướng dẫn chi tiết để các bạn có thể tự xây dựng được cho mình một chiến lược giao dịch với Doji trên khung H4 của riêng bạn, phù hợp với hệ thống giao dịch của bạn để hiệu quả đạt được là cao nhất.