Xác định xu hướng thị trường là bước đầu tiên và luôn có mặt trong bất kỳ một chiến lược giao dịch nào, trên bất kỳ một loại thị trường nào vì xu hướng là yếu tố quan trọng nhất.
Có rất nhiều phương pháp, công cụ phân tích giúp trader xác định được xu hướng thị trường nhưng tại sao khi chúng ta sử dụng chúng thì kết quả lại không như mong đợi?
Trong khi các pro trader rất ít khi than vãn về chuyện họ đã nhận định sai xu hướng, mà thất bại trong một giao dịch của họ chủ yếu xuất phát từ những yếu tố bất ngờ khác, thì hầu như trader mới nào cũng gặp vấn đề trong việc xác định xu hướng. Vậy thì, các pro trader đã làm cách nào để “bắt trend” trên thị trường forex?
Tại sao trader vẫn xác định sai xu hướng mặc dù sử dụng best trend indicators?
Có 2 vấn đề mà một trader mới thường hay gặp phải khi xác định xu hướng thị trường và nó khiến cho họ luôn thất bại trong giao dịch.
Thứ nhất, vẫn thua lỗ mặc dù xác định chính xác xu hướng
Có bao giờ bạn rơi vào trường hợp mà bạn cho rằng mình đã xác định chính xác hướng đi của thị trường nhưng lệnh của bạn vẫn bị quét stop loss rất sớm hoặc bạn buộc phải đóng lệnh sớm để hạn chế thua lỗ hay chưa?
Có lẽ sẽ không ít những trường hợp như vậy.
Giả sử, với tín hiệu mà indicators đã cung cấp, bạn dự đoán thị trường sẽ tăng lên. Sau khi xác định được vị trí entry đẹp, bạn vào lệnh, đặt stop loss và take profit mục tiêu. Nhưng khi giá vừa đi lên được một đoạn, “suýt” chạm take profit thì bỗng dưng đảo chiều.
Có 2 trường hợp xảy ra:
- Bạn lo sợ thị trường sẽ thực sự đảo chiều và không muốn mất nhiều hơn dự tính nên đóng lệnh sớm để hạn chế thua lỗ.
- Bạn tự tin vào hệ thống giao dịch của mình nên duy trì lệnh nhưng không may lệnh bị quét stop loss.
Tuy nhiên, ngay sau đó, giá lại quay trở về xu hướng chính và tăng lên mạnh mẽ, không những chạm take profit mà còn tiếp tục tăng lên.
Thật cay cú!
Vậy nguyên nhân là gì?
Thực ra, xu hướng mà bạn dự đoán được, rằng thị trường sẽ tăng giá, điều đó đúng, nhưng đấy là xu hướng chung dài hạn, còn với chiến lược giao dịch của bạn, đó rất có thể là một chiến lược giao dịch ngắn hạn. Do vậy, vị trí đặt stop loss của bạn quá gần so với biến động có thể xảy ra trong dài hạn.
Thứ hai, tiếp cận thông tin về xu hướng một cách sai lệch
Cũng có nhiều người không trực tiếp xác định xu hướng thị trường mà sử dụng tin tức, các bài phân tích của người khác và áp dụng ngay xu hướng đó vào trong giao dịch của mình.
Chẳng hạn như, bạn xem một bài phân tích về thị trường vàng của một chuyên gia cách đây 2 giờ. Trong bài phân tích, chuyên gia nhận định thị trường vàng sẽ giảm giá. Bạn xem đó như một thông tin hữu ích về xu hướng tiếp theo của thị trường vàng và chỉ việc chờ đợi cơ hội tốt để vào lệnh Sell. Nhưng kết quả thì lệnh của bạn lại bị quét stop loss. Nhưng cũng với thông tin về xu hướng được cung cấp, một người khác cũng thực hiện lệnh Sell nhưng lệnh của họ chưa bị quét stop loss và đang có lợi nhuận.
Vậy thì nguyên nhân ở trường hợp này là gì?
Chuyên gia phân tích dự đoán xu hướng thị trường vàng giảm giá và anh ta thực hiện phân tích của mình trên khung thời gian D1, nghĩa là xu hướng giảm giá là xu hướng dài hạn.
Bạn tiếp nhận thông tin nhưng áp dụng sai lệch, bạn giao dịch trên khung M15, trong khi đó, trên thung thời gian này, giá vàng đang tăng, đơn giản vì đó chỉ là một đợt điều chỉnh tăng của cả một xu hướng giảm dài hạn. Việc bạn vào lệnh Sell trên khung H1 dẫn đến thua lỗ là do bạn tiếp cận chưa đúng về bản chất của xu hướng trên thị trường ngoại hối.
Cách khắc phục 2 vấn đề trên như thế nào?
Đó là 2 vấn đề mà chúng ta thường xuyên gặp phải trong việc nhận định về xu hướng thị trường. Vậy làm sao để khắc phục chúng?
Nếu bạn để ý thật kỹ 2 trường hợp đã nêu ở phần trên thì sẽ dễ dàng nhận ra điểm chung giữa chúng.
Đó là: Timeframe – khung thời gian giao dịch
Một xu hướng sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả nếu chúng ta không gắn nó vào một khung thời gian cụ thể.
Bạn xác định được thị trường đang trong xu hướng giảm trên khung thời gian D1, nhưng ở khung M15, hiện tại đang là xu hướng tăng. Còn ở khung thời gian M5, giá di chuyển lên xuống liên tục và có thể nó đang đi ngang.
Do đó, trước khi muốn kết luận về xu hướng, bạn cần biết mình sẽ giao dịch trên khung thời gian nào.
Đến đây, nhiều người sẽ hỏi là, vậy thì sử dụng khung thời gian nào để xác định xu hướng thị trường chính xác nhất?
Trước hết, các bạn phải hiểu đúng là không phải khung thời gian quyết định kết quả của quá trình nhận định xu hướng thị trường. Nếu bạn có kỹ năng nhận định tốt và sử dụng hiệu quả công cụ phân tích thì bạn sẽ xác định chính xác xu hướng thị trường. Còn việc lựa chọn khung thời gian phù hợp là cách để bạn giao dịch hiệu quả dựa trên xu hướng đã nhận định được.
Như ví dụ trên, bạn nhận định xu hướng thị trường vàng là giảm trong dài hạn, xu hướng này được thể hiện rõ trên khung D1, thì đáng lẽ ra bạn phải mở Short position trên khung D1. Đằng này bạn lại thực hiện nó trên khung M30, trong khi xu hướng thị trường trên timeframe này là đang tăng.
Đây là đồ thị giá của cặp USD/JPY trên khung D1, rõ ràng xu hướng thị trường hiện tại là đang tăng.
Nhưng nếu các bạn sử dụng khung thời gian M15 thì mọi chuyện sẽ khác
Nếu giao dịch trên khung D1, các bạn phải xác định cơ hội để vào lệnh Buy, có thể chờ đợi khi giá chạm vào hỗ trợ (được xác định bằng trendline của xu hướng chẳng hạn) rồi vào lệnh. Ngược lại, nếu giao dịch trên khung M15, chiến lược của bạn sẽ là tận dụng đợt sóng điều chỉnh giảm để mang về lợi nhuận trong ngắn hạn.
Còn làm sao để lựa chọn được khung thời gian phù hợp thì nó lại phụ thuộc vào phong cách giao dịch của bạn.
Nếu là một Scalping trader, bạn sẽ giao dịch trên các khung M5, M30. Nếu là một Day Trader, khung thời gian phù hợp với bạn sẽ là M30, H1, nếu là một Swing Trader, bạn sẽ thực hiện các lệnh của mình trên khung thời gian H1, H4 hoặc D1, còn nếu bạn là một Position Trader thì các khung D1, W1 sẽ phù hợp với phong cách của bạn.
Tham khảo: Bạn đang nhầm lẫn giữa phong cách và chiến lược giao dịch forex?
Một khi đã lựa chọn được khung thời gian phù hợp, hãy chỉ tập trung vào xu hướng trên khung thời gian đó vì thông tin trên những khung thời gian khác có thể gây nhiễu cho giao dịch của bạn.
Top 4 trend indicators hoạt động hiệu quả nhất
Nếu hỏi về các trend indicators thì chúng ta hoàn toàn có thể liệt kê ra hàng loạt những cái tên quen thuộc như MA, MACD-Histogram, Bollinger Bands, ADX, Parabolic Sar, Ichimoku, RSI…
Mỗi một indicators sẽ có một cách xác định xu hướng riêng, chúng đều có ưu, nhược điểm và phụ thuộc vào từng điều kiện thị trường mà chúng sẽ phát huy tính hiệu quả hoặc không.
Trong quá trình thực chiến và luyện tập giao dịch, trader sẽ biết được indicators nào là tốt nhất, là hiệu quả nhất đối với hệ thống giao dịch của mình.
Nhưng với hàng tá cái tên như thế thì chúng ta nên bắt đầu với indicators nào? Chắc chắn việc thử – sai và chọn lọc sẽ mất rất nhiều thời gian. Đó là lý do mà chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn 4 công cụ “bắt trend” hiệu quả nhất.
Hành động giá (Price Action – PA) xác định xu hướng thị trường
Thực chất thì PA không phải là một indicators mà là một phương pháp phân tích, chỉ dựa trên hành vi của giá thông qua hình dáng, đường đi của nến mà không sử dụng bất kỳ indicators nào.
Phân tích hành động giá giúp bạn nhìn rõ được cấu trúc thị trường, động lực của xu hướng và tâm lý đám đông để xác định cơ hội giao dịch tiềm năng. Đây chính là một trong những điều quan trọng nhất mà phương pháp này mang lại cho trader, bạn sẽ hiểu được thị trường bạn đang giao dịch một cách sâu sắc nhất mà khó có một indicators nào có thể làm được.
Để xác định xu hướng thị trường, các PA trader sẽ xác định cấu trúc xu hướng dựa vào hành vi của giá, cụ thể:
- Xu hướng tăng: giá sẽ tạo đỉnh mới cao hơn và đáy mới cao hơn
- Xu hướng giảm: giá sẽ tạo đỉnh mới thấp hơn và đáy mới thấp hơn
- Thị trường đi ngang: giá di chuyển giữa các đỉnh và đáy gần như bằng nhau
Ví dụ:
Xu hướng tăng
Cấu trúc xu hướng tăng được hình thành khi giá liên tục tạo ra các mức cao cao hơn (đỉnh cao hơn) và các mức thấp cao hơn (hay đáy cao hơn).
Xu hướng giảm
Thị trường liên tục tạo ra các mức cao thấp hơn (hay đỉnh thấp hơn) và các mức thấp thấp hơn (hay đáy thấp hơn), hình thành nên cấu trúc xu hướng giảm.
Thị trường đi ngang
Trong giao dịch, chỉ cần ít nhất 2 đỉnh và 2 đáy thỏa mãn 1 trong 3 cấu trúc trên thì chúng ta có thể xác định được xu hướng thị trường. Tiếp đến, nhận định về động lực của xu hướng để dự đoán về khả năng tiếp diễn hay đảo chiều xu hướng sẽ xảy ra. Nhưng vấn đề này chúng ta sẽ bàn luận ở một bài viết khác.
Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng xác định được cấu trúc của xu hướng, đặc biệt là khi có quá nhiều bóng nến dài loằng ngoằng dẫn đến việc xác định các đỉnh hoặc đáy sẽ trở nên khó khăn hơn.
Và một trong những tips xác định xu hướng hiệu quả với hành động giá chính là sử dụng biểu đồ đường (line chart) thay cho biểu đồ nến Nhật trong trường hợp nhìn vào đồ thị giá chỉ thấy toàn bóng nến.
Biểu đồ đường được xây dựng bằng cách nối mức giá đóng cửa của tất cả các phiên giao dịch trên một khung thời gian nhất định. Vì loại bỏ các mức giá cao nhất (High), thấp nhất (Low) nên nhìn vào biểu đồ đường, chúng ta chỉ thấy một đường trơn tru, dễ xác định cấu trúc xu hướng hơn so với khi có quá nhiều bóng nến trên đồ thị nến Nhật.
Ví dụ về biểu đồ đường:
Việc loại bỏ các mức giá cao nhất, thấp nhất của phiên giao dịch trong biểu đồ đường sẽ chỉ hỗ trợ trong quá trình xác định xu hướng như đã nói, nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định giao dịch của bạn. Do đó, chỉ nên sử dụng Line chart để xác định xu hướng, còn việc thực hiện lệnh thì nên sử dụng Candlestick chart hoặc Bar chart.
Đường Trendline xác định xu hướng
Cũng không phải là một indicator nhưng Trendline không phải là phương pháp phân tích mà là công cụ hỗ trợ phân tích.
Đường Trendline của một xu hướng đóng vai trò như các ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự quan trọng nên khi xác định được trendline của xu hướng, công cụ này sẽ gợi ý cho trader những cơ hội giao dịch tiềm năng.
Trendline được vẽ trên đồ thị giá bởi chính trader nên công cụ này mang tính chất chủ quan rất nhiều. Mặc dù vậy, vẫn có những nguyên tắc nhất định để vẽ Trendline một cách chuẩn xác nhất. Cụ thể:
- Xác định ít nhất 2 điểm đảo chiều, có thể là các swing high hoặc swing low
- Sử dụng Trendline trong phần mềm giao dịch để nối chúng lại với nhau
- Càng có nhiều swing high hoặc swing low chạm vào trendline thì lực cản của trendline càng mạnh, giá chạm vào trendline càng có khả năng quay đầu cao.
Vậy thì, làm sao để xác định xu hướng dựa trên Trendline?
Cực kỳ đơn giản:
- Nếu Trendline hướng lên: thị trường đang trong xu hướng tăng
- Nếu Trendline hướng xuống: thị trường đang trong xu hướng giảm
Ngoài ra, dựa vào Trendline, trader còn xác định được động lực của xu hướng, cụ thể, nếu Trendline càng dốc thì xu hướng càng mạnh, Trendline càng phẳng thì xu hướng càng yếu.
Với đường Trendline dốc lên, xu hướng thị trường hiện tại là đang tăng. Nhưng ở giai đoạn đầu, độ dốc của Trendline thấp cho thấy lực xu hướng tăng còn yếu, qua giai đoạn sau, đường Trendline có độ dốc khá cao chứng tỏ xu hướng đang rất mạnh mẽ.
Tham khảo: Trendline là gì? Cách vẽ Trendline chi tiết và chuẩn nhất.
Kênh giá (Channels) xác định xu hướng
Thực ra thì Channels hay Trendline cũng chỉ là một, nhưng Channels hay hơn Trendline ở chỗ nó cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn cho giao dịch của trader, cụ thể, nếu sử dụng Trendline, các bạn sẽ xác định được xu hướng thị trường và thời điểm vào lệnh thì với Channels, các bạn còn xác định được cả thời điểm thoát lệnh hiệu quả. Cho nên, nếu chỉ với mục đích xác định xu hướng thị trường, trader sẽ ưu tiên sử dụng Trendline vì tính đơn giản, còn nếu cần đầy đủ thông tin để giao dịch thì Channels là sự lựa chọn tối ưu hơn.
Để vẽ Kênh giá, các bạn chỉ cần vẽ Trendline, sau đó vẽ thêm một đường song song với trendline, đi qua đỉnh hoặc đáy đầu tiên của xu hướng.
Trong 2 đường xu hướng của Kênh giá thì một đường phía trên đóng vai trò như ngưỡng kháng cự và đường ở dưới đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ. Nếu vào lệnh Buy tại hỗ trợ thì khi giá tăng lên, chạm vào kháng cự sẽ là thời điểm thích hợp để thoát lệnh và ngược lại.
MA – Chỉ báo xu hướng đích thực
Trong số những công cụ được nhắc đến trong top 4 này thì đường trung bình trượt MA (Moving Average) đích thị là một trend indicator.
Và đối với tất cả các chỉ báo xu hướng trong giao dịch forex thì MA là chỉ báo đơn giản nhất, dễ sử dụng nhất nhưng lại được ưa chuộng nhất và hiệu quả nhất. Cũng nhờ sự đơn giản nhưng hiệu quả cao mà MA là trend indicator hiếm hoi nằm trong danh sách các công cụ phân tích của nhiều Price Action traders.
Không chỉ có chức năng xác định xu hướng và động lực của xu hướng mà MA còn cung cấp tín hiệu vào, thoát lệnh. Tuy nhiên, vì MA là một lagging indicator nên tín hiệu mà nó tạo ra có độ trễ nhất định so với di chuyển của giá, do đó, trader thường chỉ sử dụng trend indicator này để xác định xu hướng và lực của xu hướng. Trong đó:
- Đường MA với chu kỳ dài hơn được sử dụng để xác định xu hướng dài hạn
- Đường MA với chu kỳ ngắn được sử dụng để xác định sức mạnh của xu hướng
Để xác định xu hướng dài hạn, thì đường MA hoạt động hiệu quả nhất chính là MA 200. Cụ thể:
- Nếu phần lớn các mức giá đều nằm trên đường MA200 thì thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn
- Nếu phần lớn các mức giá đều nằm dưới đường MA200 thì thị trường đang trong xu hướng giảm dài hạn
Còn để xác định sức mạnh của xu hướng, các bạn có thể sử dụng các đường MA với chu kỳ ngắn như MA20 hoặc MA50.
- Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng và phần lớn các mức giá đều nằm trên MA20/MA50 thì lực của xu hướng tăng được xác định là mạnh. Chu kỳ đường MA sử dụng càng ngắn thì lực xu hướng càng mạnh.
- Nếu thị trường đang trong xu hướng giảm và phần lớn các mức giá đều nằm dưới MA20/MA50 thì lực của xu hướng giảm được xác định là mạnh
Mặc dù là một trend indicator nhưng đường MA chỉ hoạt động tốt khi thị trường đang có xu hướng tăng hoặc giảm rõ ràng, còn nếu thị trường đi ngang, tốt hơn hết các bạn đừng nên nghĩ đến chỉ báo này.
Cách xác định và giao dịch với xu hướng “chuẩn Pro trader”
Đừng nghĩ rằng các Pro trader sẽ sử dụng những công cụ phân tích phức tạp, đặc biệt đối với các PA trader chuyên nghiệp, đơn giản là yếu tố hàng đầu, nhưng đơn giản mà phải hiệu quả.
Với các trend indicators mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên và những trend indicators, những công cụ phân tích khác thì sẽ có rất nhiều cách khác nhau để xác định và giao dịch với xu hướng. Nhưng cho dù các bạn sử dụng công cụ nào thì cũng phải giải quyết được 2 vấn đề sau:
- Thứ nhất, xu hướng dài hạn là gì?
- Thứ hai, xu hướng đó đang như thế nào? Hay động lực/sức mạnh của xu hướng đó như thế nào?
Đó là 2 vấn đề quan trọng nhất khi giao dịch với xu hướng.
Và như đã nói, sẽ có rất nhiều cách khác nhau để các bạn có thể giải quyết từng vấn đề đó, nhưng trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một chiến lược xác định và giao dịch với xu hướng mà các pro trader thường áp dụng, và chiến lược này đơn giản chỉ sử dụng những trend indicators mà chúng tôi đã giới thiệu ở phần trên.
Xác định xu hướng dài hạn
Trong tất cả các công cụ nêu trên thì MA là chỉ báo tuyệt vời để xác định xu hướng trong dài hạn, cụ thể là đường MA 200.
- Nếu phần lớn giá nằm trên MA200 → xu hướng tăng
- Nếu phần lớn giá nằm dưới MA200 → xu hướng giảm
Xác định sức mạnh của xu hướng
Một xu hướng tăng hoặc giảm rõ ràng có thể tồn tại ở 3 trạng thái:
Xu hướng mạnh: Nếu là xu hướng tăng mạnh thì phe mua đang nắm quyền kiểm soát và rất ít hoặc không có áp lực bán. Ngược lại, nếu là xu hướng giảm mạnh thì phe bán đang nắm quyền kiểm soát và hầu như áp lực mua rất ít.
Để xác định thị trường đang trong xu hướng mạnh, các trader thường sử dụng đường MA chu kỳ ngắn, cụ thể là MA20.
- Nếu phần lớn giá nằm trên MA20 → xu hướng tăng mạnh
- Nếu phần lớn giá nằm dưới MA20 → xu hướng giảm giảm
Và biểu hiện của một xu hướng mạnh chính là giá rất hiếm khi hoặc không có những đợt pullback tại đường MA20 này.
Xu hướng ổn định: lực của xu hướng không quá mạnh mẽ nhưng cũng không quá yếu và chúng ta sẽ tạm gọi là xu hướng ổn định. Nếu là xu hướng tăng ổn định thì mặc dù tồn tại áp lực bán nhưng phe mua vẫn kiểm soát được thị trường, áp lực bán trong xu hướng tăng ổn định xuất hiện có thể do một bộ phận trader chốt lời hoặc phe gấu đang tìm cách để đảo ngược tình thế. Nếu là xu hướng giảm ổn định thì phe bán vẫn kiểm soát được thị trường khi xuất hiện áp lực mua.
Để xác định thị trường đang trong xu hướng ổn định, các pro trader thường sử dụng đường MA50. Trong xu hướng ổn định, giá sẽ có vài lần pullback tại đường MA50 này.
Xu hướng yếu: nếu là xu hướng tăng yếu thì cả phe mua và bán đều tranh nhau quyền kiểm soát thị trường nhưng phe mua có phần chiếm ưu thế hơn. Ngược lại, nếu là xu hướng giảm yếu thì phe bán lại có sức mạnh nhỉnh hơn.
Trong xu hướng yếu, các đợt pullback sâu hơn và thường có xu hướng bứt phá ra khỏi đường MA50, hướng tới các ngưỡng trung bình cao hơn như MA100 hoặc MA200 nhưng vẫn đảm bảo phần lớn các mức giá đều nằm trên MA200 (xu hướng tăng) hoặc nằm dưới MA200 (xu hướng giảm).
Sau khi nhận định một cách sâu sắc về xu hướng thị trường thì bước tiếp theo chính là thiết lập kế hoạch giao dịch hiệu quả với xu hướng.
Nghĩa là, với xu hướng đó và với tình trạng của xu hướng hiện tại là như thế thì chúng ta sẽ vào lệnh khi nào, thoát lệnh khi nào?
Chiến lược vào lệnh khi giao dịch với xu hướng
Xu hướng mạnh: vì giá thường không thoái lui hoặc thoái lui nông nên giao dịch pullback là rất khó. Do đó, khi xu hướng thị trường đang mạnh mẽ, các bạn có thể thực hiện chiến lược giao dịch breakout hoặc tìm kiếm các điểm vào lệnh tiềm năng trên những khung thời gian nhỏ hơn.
Cụ thể:
- Nếu là xu hướng tăng mạnh, vào lệnh khi giá phá vỡ swing high gần nhất trước đó (đang là kháng cự)
- Nếu là xu hướng giảm mạnh, vào lệnh khi giá phá vỡ swing low gần nhất trước đó, đang là hỗ trợ)
Xu hướng ổn định: nhờ các đợt pullback khá lý tưởng mà các bạn có thể giao dịch với pullback bằng cách vào lệnh khi giá chạm vào MA50. Một chiến lược breakout các mức swing high/swing low tương tự với xu hướng mạnh cũng không tệ khi áp dụng với xu hướng ổn định nhưng tâm lý của bạn có đủ vững chắc để chịu đựng được sự thoái lui trở lại MA50 không?
Xu hướng yếu: trong xu hướng yếu, các đợt pullback là khá sâu, thường thoát ra khỏi ngưỡng MA50 và rất khó để dự đoán khi nào đợt thoái lui đó sẽ chấm dứt. Vì thế chiến lược vào lệnh với pullback là rất khó thực hiện. Đối với chiến lược giao dịch phá vỡ swing high/swing low cũng tương tự như thế vì trong xu hướng yếu, khi giá breakout được swing high (trong xu hướng tăng) cũng sẽ nhanh chóng quay lại gần với mức swing low trước đó nên giao dịch breakout sẽ không hiệu quả. Chính vì thế, chiến lược giao dịch tốt nhất trong một xu hướng yếu chính là giao dịch tại các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự mạnh.
Chiến lược thoát lệnh khi giao dịch với xu hướng
Cho dù bạn lựa chọn kỹ thuật thoát lệnh nào thì cũng nên nhớ rằng, lý do để bạn phải dừng lệnh của mình lại là vì hệ thống giao dịch của bạn đã sai.
Thoát lệnh với cấu trúc xu hướng
Khi cấu trúc xu hướng bị phá vỡ cũng là lúc mà hệ thống giao dịch theo trend của bạn đã không còn hiệu lực.
Do đó, nếu giao dịch theo xu hướng tăng thì stop loss có thể được đặt ngay dưới swing low gần nhất, ngược lại, nếu giao dịch theo xu hướng giảm thì stop loss được đặt ngay trên swing high gần nhất.
Thoát lệnh với đường trung bình trượt MA
Nếu sử dụng MA để xác định xu hướng và giao dịch với xu hướng thì khi điều kiện về indicators này không còn thỏa mãn xu hướng hiện tại nữa thì đó chính là lúc mà giao dịch của bạn nên dừng lại.
Cụ thể:
- Nếu là xu hướng mạnh: thoát lệnh khi giá cắt xuống và đóng cửa rõ ràng phía dưới đường MA20 (đối với lệnh Buy), thoát lệnh khi giá cắt lên và đóng cửa rõ ràng phía trên đường MA20 (đối với lệnh Sell)
- Nếu là xu hướng ổn định: thoát lệnh khi giá cắt xuống và đóng cửa rõ ràng phía dưới đường MA50 (đối với lệnh Buy), thoát lệnh khi giá cắt lên và đóng cửa rõ ràng phía trên đường MA50 (đối với lệnh Sell)
Thoát lệnh với đường xu hướng Trendline
Đường MA sử dụng trong chiến lược giao dịch với xu hướng được xem như một ngưỡng hỗ trợ, kháng cự, thì Trendline cũng như vậy. Do đó, cách thoát lệnh với Trendline cũng được áp dụng tương tự như với đường MA.
Kết luận
Hy vọng, bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu một cách sâu sắc hơn về xu hướng thị trường. Tất nhiên, chưa thể nào trở thành một Pro trader ngay được. Nhưng chắc chắn rằng, với những gì mà chúng tôi đã chia sẻ thì với một trader mới, đang loay hoay tìm cách “bắt đúng trend”, mọi thứ đã có thể trở nên dễ dàng hơn.